Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, doanh nghiệp sẽ gặp những rủi ro nào?
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu" do Báo Người lao động tổ chức sáng 25/4, ông Trần Trọng Kim, Tham tán thương mại Việt Nam tại Arab Saudi cho hay, căng thẳng ở Trung Đông đã xuất hiện từ trước nhưng trong quý I tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Theo đó, các công ty vận tải phải tránh đi đường vòng qua châu Âu, châu Phi, thay vì đi qua kênh đào Suez. Trọng tải tàu vào kênh đào Suez đã giảm 42%; trong khi tổng tải trọng vào Mũi Hảo Vọng tăng 87% trung bình di chuyển 7 ngày…
Thậm chí, một loạt tập đoàn đoàn dầu mỏ như DP, hãng tàu quốc tế Evergreen Marine đã từng tạm dừng tất cả chuyến vận tải qua Biển Đỏ hoặc lệnh cho tàu rời khỏi khu vực… Những điều này làm tăng thêm chi phí, chậm trễ giao hàng trong quý II/2024.
Đáng quan ngại, sau cuộc trả đũa của Israel và Iran gần đây, tình hình càng thêm căng thẳng khiến đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam giảm, du khách từ Việt Nam không thể đến các điểm quanh khu vực Trung Đông.
“Qua theo dõi tình hình sở tại, các hải trình hàng hóa thời gian qua bị ảnh hưởng đã tác động đến giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Arab Saudi. Các tàu để phải thay đổi lịch trình giao hàng, thời gian lên đến 15 ngày; công ty vận tải tăng giá cước tới 15%... có thể giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Trần Trọng Kim nêu rõ.
Còn theo bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng phòng Châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, vận tải đường biển chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến thời gian vận chuyển kéo dài, cước tàu tăng do kênh đào Suez là tuyến đường ngắn nhất vận chuyển từ châu Á sang châu Âu.
Vì vậy, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang châu Mỹ, châu Âu đầu năm 2024 tăng cao so với cuối năm 2023. Đến tháng 3, giá cước vận chuyển sang châu Mỹ, châu Âu có giảm nhưng vẫn cao hơn bình quân những năm trước 20%.
Không chỉ cước tàu tăng mà các phụ phí cũng tăng mạnh, tăng không báo trước gây bức xúc cho doanh nghiệp. Thời gian vận chuyển kéo dài 10 - 15 ngày khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn, chậm trễ. Căng thẳng Biển Đỏ còn kéo theo tình hình thiếu container rỗng, giá container rỗng cao.
“Những biến động trên thế giới cũng khiến giá dầu thô tăng, ảnh hưởng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp”, bà Minh cho hay.
Những lưu ý cho doanh nghiệp tránh bị lừa đảo
Trước tình hình này, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung hàng hóa, khi ký kết hợp đồng cần lưu ý các điều khoản bất khả kháng, mua bảo hiểm đầy đủ để tránh rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải để nắm bắt sớm thông tin.
“Hiện một số doanh nghiệp đã chuyển sang giao nhận hàng hóa thông qua tuyến đường sát liên vận từ Việt Nam qua Trung Quốc, Liên bang Nga vào châu Âu...”, bà Minh thông tin.
Trong bối cảnh này, Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi khuyến nghị 3 nội dung. Thứ nhất, các cơ quan tổ chức trong nước tiếp tục thông tin tới các hiệp hội, DN, để lường trước những khó khăn khi qua Arab Saudi, Yemen trong thời gian tới.
"Đề nghị doanh nghiệp tăng cường đầu mối nhập khẩu mà không đi qua Biển Đỏ vì hiện nay vẫn còn một số cảng trong khu vực không bị ảnh hưởng, vẫn diễn ra bình thường", ông Trần Trọng Kim khuyến nghị.
Thứ hai, khi giao dịch với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng ở khu vực này, cần ký hợp đồng thanh toán qua dạng thư tín dụng L/C, ký hợp đồng bảo đảm. Nếu có khách hàng thanh toán trước càng tốt. Đặc biệt, không trả trước bất kỳ một khoản phí nào như phí môi giới hợp đồng, phí hóa đơn vì đây là lừa đảo.
Cuối cùng, các hoạt động mời tham gia đơn hàng lớn, giá tốt cho các mục tiêu nhân đạo, cứu trợ cần xác minh qua kênh Đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại đây để được hỗ trợ để tránh bị lừa đảo.