Logistics trước áp lực cạnh tranh - Bài 3: Mạng lưới logistics Trung Quốc vươn ra toàn cầu
Các công ty này đã thâm nhập các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Trung Đông, Trung và Nam Mỹ, đưa các dịch vụ logistics số hóa tới các thị trường mục tiêu, trong khi góp phần vào tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Hiện đại hóa mạng lưới logistics xuyên biên giới
Trong chương trình truyền hình trực tiếp đầu tiên của thế giới về logistics qua biên giới vào tháng 11/2023, hàng triệu người trên khắp thế giới đã chứng kiến hành trình hoàn chỉnh của những gói hàng, từ đóng gói, phân loại đến vận chuyển, gom và bốc lên các máy bay chở hàng quốc tế.
Tại sự kiện mua sắm “Ngày 11/11” năm 2023, nền tảng theo dõi hàng hóa toàn cầu chính thức Cainiao Global của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba Group đã ra mắt dịch vụ "Giao hàng 5 ngày trên toàn cầu". Dịch vụ này cho phép giao hàng từ Trung Quốc cho những khách hàng ở cách hàng nghìn dặm chỉ trong 5 ngày.
Để có thể giao hàng nhanh như vậy, Cainiao Global đã cải thiện đáng kể công nghệ và hạ tầng logistics. Công ty này đã xây dựng khu logistics qua biên giới lớn nhất Trung Quốc, với các máy phân loại thông minh và một trung tâm vận tải hàng không. Thêm vào đó, việc sử dụng máy bay thân rộng Boeing 747 đã làm tăng hiệu quả của quá trình giao hàng.
Cainiao Network, bộ phận logistics của Alibaba Group cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới logistics và tăng cường dịch vụ tại châu Âu.
Đơn vị này đã mở rộng mạng lưới giao hàng tận nhà ở Tây Ban Nha, cung cấp dịch vụ giao hàng vào ngày hôm sau tại 9 thành phố lớn; trong đó có Madrid và Barcelona, cũng như dịch vụ giao hàng trong hai ngày tại hơn 20 thành phố khác của nước này.
Cainiao đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics thông minh như trung tâm phân loại tự động và tủ khóa bưu kiện. Công ty còn phát triển mạng lưới khoảng 500 tủ khóa bưu kiện ở Madrid và Barcelona để mang lại trải nghiệm nhanh, hiệu quả hơn và giảm lượng khí thải carbon.
JD Logistics, bộ phận logistics của tập đoàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc, đã liên tục đầu tư cho các cơ sở logistics cho chuỗi cung ứng ở nước ngoài.
Với gần 90 kho hàng ngoại quan, kho nước ngoài và các kho khác trên toàn cầu, JD Logistics đã thiết lập được mạng lưới kho hàng tự vận hành ở các nước châu Âu như Đức, Pháp và Anh. Cùng với việc tăng năng suất kho hàng, JD Logistics Europe đang tích cực phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ở các nước để nâng cao năng lực giao bưu gửi.
Ochama, thương hiệu bán lẻ đa kênh của JD ở châu Âu, cũng đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà sang 19 quốc gia khác. Ra mắt lần đầu tại Hà Lan vào tháng 1/2022, Ochama cung cấp mô hình bán lẻ kết hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến và trực tiếp.
Doanh nghiệp này cung cấp cả dịch vụ nhận hàng và giao hàng tận nơi. Kế hoạch mở rộng đưa dịch vụ giao hàng tận nhà của Ochama đến 24 quốc gia, tích hợp với các dịch vụ hiện có ở Hà Lan, Luxembourg (Lúc-xăm-bua), Bỉ, Pháp và Đức.
Hiện Ochama đã thành lập hơn 500 điểm lấy hàng ở châu Âu và vận hành một nhà kho rộng 20.000 m2 ở Hà Lan, được trang bị robot AGV (xe dẫn đường tự động) giúp nâng cao hiệu quả phân loại. Các đơn đặt hàng sẽ được đóng gói tại nhà kho tự động của Ochama ở Hà Lan trước khi được chuyển đến điểm đến cuối cùng.
Không nằm ngoài cuộc chơi, SF Airlines, chi nhánh hàng không của tập đoàn logistics SF Express, đã đầu tư rất nhiều vào việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và mở rộng đội bay chở hàng ở châu Âu. Hãng triển khai tuyến vận chuyển hàng hóa hàng không mới nối Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc với Frankfurt, Đức vào tháng Bảy.
Nhà phân tích cấp cao về hoạt động B2B và xuyên biên giới tại Viện Kinh tế Internet Trung Quốc Zhang Zhouping cho biết, các kho hàng ở nước ngoài và mạng lưới chuyển phát nhanh đóng vai trò là cơ sở hạ tầng quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc.
Lực đẩy từ nền tảng kinh tế ổn định
Tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Trung Quốc đang mang lại sự hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển của lĩnh vực logistics của nước này. Sự hỗ trợ gia tăng của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng cùng với sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng đã đưa đến mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 4,9% trong quý III/2023.
Sự phát triển của thương mại điện tử qua biên giới đã góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực logistics của Trung Quốc. Theo số liệu gần đây của Hải quan Hàn Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng 4,79 nghìn tỷ won (gần 3,65 tỷ USD) cho mua sắm trực tuyến qua biên giới từ quý I đến quý III năm 2023, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thương mại điện tử với Trung Quốc chiếm 46,4% trong số này, với doanh thu đạt 2,22 nghìn tỷ won.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, khối lượng nhập khẩu và xuất khẩu qua thương mại điện tử của Trung Quốc đạt 1.700 tỷ NDT trong giai đoạn tháng 1-9/2023, tăng 14,4%. Nước này đã thiết lập quan hệ đối tác với các nước trên thế giới, trở thành một trong những quốc gia có hệ sinh thái thương mại điện tử qua biên giới toàn diện nhất.
Các kho hàng ở nước ngoài đóng vai trò quyết định đối với thương mại điện tử qua biên giới và logistics. Đó là cơ sở hạ tầng thương mại mới và là nền tảng thiết yếu đối với việc phát triển thương mại chất lượng cao.
Người đứng đầu JD Logistics International, Xue Qun, gần đây cho biết JD.com có kế hoạch xây dựng một mạng lưới logistics cho chuỗi cung ứng toàn diện trên toàn cầu trong ba năm tới. Mạng lưới này sẽ bao gồm các mạng lưới kho hàng ở nước ngoài, các trung tâm quá cảnh quốc tế, các mạng lưới phân phối ở nước ngoài và mạng lưới vận tải qua biên giới với các tuyến quan trọng.
Theo trang tin Quartz, Trung Quốc xem logistics là lĩnh vực mang tính chiến lược trong việc nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ nước này muốn xây dựng một hệ thống lưu thông hiện đại, tích hợp các dòng chảy thương mại, tài chính, giao thông và hàng hóa.
Một lĩnh vực mà Trung Quốc đạt được bước tiến lớn trong những năm gần đây là số kho hàng ở nước ngoài mà nước này vận hành thông qua các nhà xuất khẩu hoặc các công ty thương mại điện tử qua biên giới với các hoạt động tại thị trường quốc tế. Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, con số này hiện là trên 2.000, tăng từ mức dưới 100 vào năm 2015.
Ngoài cơ sở hạ tầng vật lý như kho hàng, Trung Quốc muốn phát triển số công ty logistics hình thành ở trong nước và có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Bài cuối: Cần lộ trình dài hơn cho logistics Việt Nam