|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Logistics trước áp lực cạnh tranh - Bài 2: Rút ngắn con đường từ sản xuất đến tiêu thụ

08:45 | 18/01/2024
Chia sẻ
Logistics là dịch vụ vận chuyển, cung ứng hàng hóa theo phương thức tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến nhà máy chế biến sau đó xuất khẩu và đến tay người tiêu dùng.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản và trái cây lớn của cả nước, do vậy, nhu cầu logistics khu vực này rất lớn, nhất là vào vụ thu hoạch lúa gạo, cây trái. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có tiềm năng về logistics rất lớn, song hạ tầng, năng lực của ngành này nơi đây lại chưa phát triển tương xứng. Do vậy, cần thiết phải có giải pháp gỡ khó nâng cao năng lực cho ngành dịch vụ logistics để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hạ tầng hạn chế

Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông dài 28.000 km; trong đó, 23.000 km có khả năng khai thác vận tải thủy; hai tuyến đường thủy huyết mạch từ TP HCM đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố (tỉnh Trà Vinh) cho tàu tải trọng lớn ra vào sông Hậu. Ngoài ra, vùng còn có 5 tuyến hành lang đường bộ nối với  Đông Nam Bộ và cả nước, cùng hệ thống cảng trải dài dọc trên sông Hậu, sông Tiền…

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng vận tải thủy nội địa Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ dừng lại ở vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước, kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của cả vùng là rất lớn. 

Tuy vậy, 70% tổng lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP HCM và cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ông  Lê Quang Trung cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long chính là hệ thống logistics (chi phí chiếm đến 30% giá thành), do thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế. 

Cụ thể, thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Đồng thời, thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn.… 

Hệ thống kho lạnh, kho mát phục vụ nông, thủy sản cũng còn thiếu và dự báo sẽ càng thiếu hụt, khi chỉ có 3/13 tỉnh, thành trong vùng có kho lạnh thương mại là Long An, Hậu Giang và Cần Thơ.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, với 13 tỉnh, thành nhưng hiện Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có gần 1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm chỉ khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Điều này cho thấy, ngành logistics của vùng hiện còn đang rất thiếu và yếu.

Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang và các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng. 

Về đường thủy nội địa, phần lớn các cảng, bến thủy nội địa có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp hành khách, hàng hóa quy mô cấp vùng. Bên cạnh đó, về đường biển, cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ, luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đạt mức nước độ sâu khai thác cho tàu tải trọng từ 10.000 - 20.000 tấn.

Gỡ những điểm nghẽn

Theo các chuyên gia, để gỡ những điểm nghẽn về dịch vụ logistic của Đồng bằng sông Cửu Long cần nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, chú trọng tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics của vùng. 

Đồng thời, xây dựng và phát triển mạng lưới cung ứng và dịch vụ logistics, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất với chi phí thấp.

Ông Lê Quang Trung cho rằng, cần nghiên cứu mở thêm tuyến giao thông đường thủy kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và khu vực Cái Mép - Thị Vải để tạo thuận lợi lớn cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đến thẳng châu Âu và Hoa Kỳ như thủy hải sản, nông sản.…

Với định hướng phát triển thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm logistics của Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ được quy hoạch có ba trung tâm phát triển logistics phục vụ chung cho cả vùng, bao gồm: Trung tâm logistics hạng II gắn với cảng Cái Cui theo quy hoạch phát triển Trung tâm logistics của cả nước; Cụm cảng và logistics hậu cảng, Khu công nghiệp Thốt Nốt nhằm hỗ trợ cho cụm Công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh; Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

Tiếp đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường tính liên kết, kết nối với khu vực như: nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, xây dựng các công trình thiết yếu của Cảng hàng không để nâng công suất vận chuyển hành khách đạt 7 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 250.000 tấn/năm. 

Về đường bộ, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác 3/3 trục đường bộ cao tốc qua địa bàn thành phố. Ngoài ra, Cần Thơ cũng đã thành lập tổ công tác đối với chính sách về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ để tàu trọng tải từ 10.000 - 20.000 tấn vào cảng Cần Thơ,…

Ông Phạm Hải Anh, Phó Tổng giám đốc Sowatco, Thành viên Sotrans Group thuộc Tập đoàn ITL cho biết: Đầu tư các trung tâm logistics quy mô đòi hỏi vốn lớn. 

Vì vậy, giải pháp khả thi cho Đồng bằng sông Cửu Long là nên tận dụng hình thức vận chuyển sà lan và đầu tư các các cảng cạn (ICD) có bến sông khai thác sà lan, diện tích khoảng 10 ha, sản lượng 200.000 TEUs mỗi năm.

Các ICD này sẽ tập trung các hệ thống cơ bản cần thiết nhất, gồm kho lạnh chuyên dụng, máy soi chiếu, depot chứa containers rỗng. Theo đó, đặc trưng vùng là hàng thủy sản rất nhiều mà hầu như 90% phải nhập containers lạnh rỗng nên các ICD cần có ổ cắm điện, hệ thống sáng kiến truy suất nguồn gốc sản phẩm chuyên dụng cho containers lạnh. 

Ông Phạm Hải Anh cũng khuyến nghị, một số địa điểm ở Cần Thơ, Hậu Giang có thể phù hợp để đầu tư. Nếu triển khai được, mô hình này có thể giảm chi phí vận chuyển cho hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 50%. 

Theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua cũng được Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn về liên kết vùng, đặc biệt là nhiều dự án giao thông có quy mô lớn đã, đang và sẽ được triển khai. 

Thực tế vừa qua, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sau gần ba năm khẩn trương thi công đã được khánh thành. Công trình kết nối tuyến cao tốc Cần Thơ - TP HCM, giúp thời gian đi lại giữa hai trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long được rút ngắn, góp phần đáng kể cho quá trình hoàn thiện hệ thống vận tải, hạ tầng logistics của cả vùng.

Bài 3: Mạng lưới logistics Trung Quốc vươn ra toàn cầu

Hồng Đạt