|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng yếu tố giá rẻ, Việt Nam cần đẩy nhanh mức độ phát triển logistics

11:31 | 05/10/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện ngành logistics bởi xu hướng hiện nay đã qua thời kỳ cạnh tranh dựa vào chi phí giá rẻ, các nhà đầu tư quốc tế hiện quan tâm nhiều hơn đến thời gian giao hàng, độ ổn định và đáng tin cậy của môi trường đầu tư kinh doanh.

Phát biểu tại Hội nghị Logistics Việt Nam: Con đường phía trước diễn ra sáng 5/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Còn theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán,… tại Việt Nam.

Ông Edwin Chee, Giám đốc vận hành SLP Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam đang được hưởng lợi từ những xu hướng chuyển dịch đầu tư mới. Vai trò của Việt Nam với chuỗi cung ứng quốc tế ngày càng được nâng cao. Khả năng thích ứng và nắm bắt cơ hội tạo ra sự khác biệt cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, hạ tầng và logistics vẫn chưa được đánh giá cao.

Đã qua rồi thời kỳ cạnh tranh bằng giá rẻ

Ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty CEL Việt Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Một đại diện quốc tế nữa là ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty CEL Việt Nam cũng cho rằng khái niệm đa dạng hoá của nhà cung cấp sẽ là tương lai của ngành logistics. Điều này thể hiện rõ qua việc dòng vốn FDI đổ vào các nước trong khu vực ASEAN đang dần bắt kịp với Trung quốc.

"Ngày nay không phải là Trung Quốc +1 nữa, mà ít nhất là Trung Quốc +2”, ông Julien Brun nói. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh về thu hút FDI này, lợi thế giá rẻ là chưa đủ, Việt Nam cần đẩy mạnh logistics cũng như chuyển đổi xanh, đó là những yếu tố mà dòng vốn FDI thế hệ mới hướng tới. 

Việt Nam đang có chi phí sản xuất thấp hơn khoảng 4% so với Ấn Độ, chi phí nhân công rẻ bằng 1/10, hạ tầng gần tương đương nhưng chi phí logistics và thời gian giao hàng lại cao hơn.

Hiện hàng hoá từ Việt Nam đến châu Âu hoặc Mỹ phải mất gần 30 ngày trong khi các quốc gia khác chỉ mất 14 ngày.Trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng còn kém Singapore, Thái Lan và Malaysia về tốc độ phát triển ngành logistics. 

Thu hút vốn đầu tư FDI vào ASEAN đang tăng nhanh và dần bắt kịp Trung Quốc. (Nguồn: CEL).

ÔngJulien Brun khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện ngành logistics bởi xu hướng hiện nay đã qua thời kỳ cạnh tranh dựa vào chi phí giá rẻ, các nhà đầu tư quốc tế hiện quan tâm nhiều hơn đến thời gian giao hàng, độ ổn định và đáng tin cậy của môi trường đầu tư kinh doanh, tính an toàn và cả yếu tố phát triển bền vững.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho rằng, mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực như trên nhưng trên thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế và thách thức.

Thứ nhất, về thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Khung khổ pháp lý đối với ngành logistics được ban hành nhiều văn bản, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các cụ thể các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.

Thứ ba, hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.

Thứ tư, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn,…

Theo Thứ trưởng,phải làm sao tận dụng được cơ hội để đưa logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đủ sức cạnh tranh quốc tế, đồng thời theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, là logistics xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Hạ An