|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trung tâm logistics mà Gemadept muốn bắt tay làm cùng đối tác Mỹ: Quy mô hơn 6 tỷ USD, kỳ vọng là cảng trung chuyển tầm cỡ thế giới

08:34 | 13/09/2023
Chia sẻ
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ được xây dựng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư hơn 154.000 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, đồng thời là một khu thương mại tự do.

Phối cảnh Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. (Ảnh: Portcoast).

Theo thông cáo báo chí từ Nhà Trắng, trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, Công ty SSA Marine - một trong những nhà khai thác cảng tư nhân lớn nhất toàn cầu và CTCP Gemadept (Mã: GMD) công bố thỏa thuận hợp tác phát triển các cảng biển chiến lược tại phía Nam, bao gồm cả Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ.

Trung tâm Logistics quy mô 6,4 tỷ USD, kỳ vọng là cảng trung chuyển tầm cỡ thế giới 

Cảng Cái Mép Hạ (hay còn được gọi là cảng Cái Mép – Thị Vải) được xây dựng ở ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là cảng biển có nhiều lợi thế khai thác.

Mặc dù tọa lạc ở vị trí được xem như là thuận lợi nhất ở Đông Nam Á và có sức chứa lớn nhưng cảng Cái Mép Hạ vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế, mức cạnh tranh thấp so với các cảng nước sâu khác trong khu vực và chưa thu hút được các hãng các tàu lớn vì một số bất cập, như thiếu hệ sinh thái logistics, thiếu hệ thống giao thông vận tải liên vùng đa phương thức, cầu cảng chưa kết nối, chưa có sự liên thông khi chuyển hàng từ tàu nhỏ sang tàu lớn, chi phí thủ tục cao, thời gian thông quan lâu.

Do đó, dự án xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đã được đề xuất thực hiện nhằm đưa cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng biển có vai trò đặc biệt của Việt Nam.

Khi hoàn thành, dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, đồng thời là một khu thương mại tự do.

Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ được quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2802 với 2 phân khu chính là Trung tâm Logistics và Bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu.

Diện tích khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.800 ha, trong đó, Trung tâm Logistics và Bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu hơn 984 ha; diện tích mặt nước gần 456 ha; đất dự trữ kho năng lượng sạch gần 198 ha; còn lại khoảng 12 ha là diện tích mặt nước tiềm năng.

Tuy nhiên, để kéo dài bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu ra phía luồng nhằm có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, đến 250.000 tấn (24.000 TEUS), đồ án điều chỉnh quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích nâng lên gần 2.204 ha, trong đó diện tích dự án khoảng 1.687 ha, bao gồm Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu là 1.485 ha, diện tích mặt nước giảm còn khoảng 202 ha. Bên cạnh đó, đất dự trữ kho năng lượng sạch với gần 198 ha sẽ được điều chỉnh thành đất phục vụ logistics và cảng, diện tích còn lại quy hoạch thêm khu mặt nước tiềm năng.

Cảng Cái Mép Hạ là cảng trung chuyển nước sâu được đánh giá có vị trí thuận lợi bậc nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trong buổi hội thảo góp ý phương án đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ diễn ra ngày 1/10/2022, CTCP Tư vấn thiết kế Cảng và Kỹ thuật biển (Portcoast) cũng đã đề xuất tỉnh hai phương án đấu giá, chọn một nhà đầu tư duy nhất hoặc nhiều nhà đầu tư; phân kỳ đầu tư cảng.

Trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Giai đoạn 2 từ sau năm 2025 là đầu tư xây dựng bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Tổng mức đầu tư dự án là 154.391 tỷ đồng, tức khoảng 6,4 tỷ USD (tính theo tỷ giá 1 USD = 24.100 đồng).

Còn quan điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, có thể là lựa chọn nhà đầu tư đa dạng chứ không chỉ trong một lĩnh vực, có thể liên danh, tổ hợp các nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện, các dự án kết nối với vùng hậu phương như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP HCM, hệ thống giao thông liên cảng Cái Mép - Thị Vải và đường sắt kết nối kinh tế vùng, vươn ra khu vực quốc tế.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ các điều kiện để phát triển trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế nhờ vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế từ châu Âu, Trung Đông qua khu vực Bắc Á và châu Mỹ. 

Phát biểu tại buổi làm việc với ban lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chiều ngày 18/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thực tế rất nhiều đối tác quốc tế quan tâm đặc biệt tới khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Mục tiêu là đưa Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới, muốn vậy, phải phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế. 

Tiềm năng của ngành logistics Việt Nam

Việt Nam đang là khu vực sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng. Dữ liệu từ McKinsey & Company cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo đóng góp tới 50% vào tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu trong thập kỷ tới, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới.

Còn theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á. Báo cáo đánh giá, Việt Nam là nước hưởng lợi từ khi các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2022 - 2023 của thị trường logistics Việt Nam dự báo đạt 5,5%/năm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng khẳng định, Việt Nam đang đứng trước vô vàn cơ hội phát triển các dịch vụ logistics.

Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua việc chuyển nhượng quyền khai thác một số dự án, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư với các thương vụ ước tính lên tới hàng tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, với nền công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự góp mặt của các tên tuổi lớn nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vốn, nhân lực, công nghệ cho các tập đoàn trong nước. 

Gemadept đang tìm kiếm cơ hội phát triển hệ thống cảng sông phía Nam

 Một góc siêu cảng Gemalink. (Ảnh: Gemadept).

Về Gemadept, hiện tại doanh nghiệp đan dẫn đầu ngành về khai thác cảng và logistics với hệ thống 7 cảng trải dài gồm Cảng Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD, Cảng Nam Hải ở phía Bắc. Tại miền Trung, Gemadept có cảng Dung Quất. Và tại miền Nam, công ty quản lý cảng Phước Long ICD, Cảng Gemalink và Cảng Bình Dương. Trong đó siêu cảng Gemalink là một trong những cảng biển có mớn nước sâu nhất Việt Nam.

Thông tin đến cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Công Khanh cho biết, từ nay cho tới 2025, giai đoạn 2 của Cảng Gemalink là một trong những dự án trọng tâm của công ty. Theo đó, lãnh đạo công ty nhận ra tiềm năng của Khu công nghiệp Cái Mép nên đã quyết định thực hiện giai đoạn 2 Cảng Gemalink để nâng công suất lên 3 triệu TEU/năm. Khi dự án hoàn thành, tuyến cầu bến tại cụm cảng này sẽ dài 1,5 km và đón được tàu tải trọng 250.000 DWT, từ đó tạo nên ưu thế cạnh tranh trong khu vực. 

Bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc Tài chính công ty cho biết: "Giai đoạn 2 Cảng Gemalink đang cố gắng xin giấy phép để kéo dài tối đa chiều dài cầu tàu nhằm đưa tổng chiều dài của 2 giai đoạn lên 1,5 km. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2 là 300 triệu USD, nhưng công ty sẽ phân kỳ thành hai giai đoạn nhỏ là 2.1 và 2.2 để đảm bảo tiến độ đầu tư tuỳ theo tình hình thị trường".

Giai đoạn 2.1 dự kiến sẽ cần 100 triệu USD và 2.2 sẽ cần 200 triệu USD. Theo đó, công ty dự kiến tỷ lệ nợ vay và vốn tự có lần lượt là 70% và 30%. Tương ứng sẽ cần vay từ 65-70 triệu USD cho giai đoạn 2.1.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, cảng Phước Long ICD sẽ tiếp tục hoạt động, cùng với cảng Bình Dương đóng vai trò vệ tinh kết nối đến cảng Gemalink và cụm cảng Cái Mép.

Cũng liên quan đến cảng Phước Long ICD, Gemadept cũng đang tìm kiếm cơ hội phát triển các hệ thống cảng sông tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm làm vệ tinh cho cảng Gemalink, mở đường cho việc cung cấp chuỗi sinh thái cảng và logistics rộng khắp của Gemadept.

Về tình hình kinh doanh, cơ cấu doanh thu thuần của Gemadept có sự chuyển dịch rõ rệt, bắt đầu từ năm 2018 khi mảng khai thác cảng đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu của công ty, áp đảo mảng logistics vận tải, cho thuê tài sản và dịch vụ đại lí.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, mảng khai thác đem về 1.338 tỷ đồng, chiếm 74% tổng doanh thu của Gemadept.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của Gemadept.

Minh Hằng

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.