|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỳ vọng vào cảng biển nước sâu lớn nhất miền Tây

20:34 | 07/08/2023
Chia sẻ
"Nếu có cảng Trần Đề, chi phí vận chuyển của chúng tôi sẽ giảm được khoảng 20 tỷ đồng/năm, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết.

Đây là chia sẻ của một doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra tại Hội thảo “Quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng)” do Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức sáng nay (7/8).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Báo GT).

Giảm chi phí logistics cho hàng xuất khẩu

Ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải cho biết, sau khi hình thành cảng đầu mối vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề thì theo cự ly và chi phí vận tải, vùng 'hấp dẫn' trực tiếp là 8 tỉnh gồm: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Cảng Trần Đề nằm cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong sẽ có vai trò thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia (tuyến đường thủy sông Mekong); kết hợp trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực ĐBSCL, trước mắt phục vụ trung tâm điện lực Long Phú và Sông Hậu.

"Để gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm dần chi phí logistics của vùng ĐBSCL, việc đầu tư bến cảng Trần Đề cho tàu biển trọng tải lớn (vượt qua khả năng nâng cấp cải tạo cửa sông) để làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho toàn vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết", ông Đạt nêu ý kiến.

Cảng Trần Đề hiện tại. (Ảnh: Bộ GTVT).

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết, Công ty Sao Ta chuyên chế biến tôm xuất khẩu, mỗi năm xuất khẩu khoảng 25.000 - 30.000 tấn (tương đương khoảng 1.500 - 2.000 container).

"Những năm qua, các lô hàng xuất khẩu của công ty đều tập trung lên 2 cảng Cát Lái và cảng Cái Mép để xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, cung đường vận chuyển hẹp và khá dài, trong khi mật độ phương tiện lưu thông cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hàng hóa giao không đúng hẹn. Chưa kể đến chi phí vận chuyển đến 2 cảng nói trên khá cao. Nếu có cảng Trần Đề, chi phí vận chuyển của công ty sẽ giảm được khoảng 20 tỷ đồng/năm, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển", ông Hồ Quốc Lực nhìn nhận.

Còn theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), để phục vụ cho cảng biển Trần Đề, cần xem xét các quy hoạch cảng và cơ chế giao cho nhà đầu tư khai thác các mỏ vật liệu ở ngoài khơi khu vực cửa biển Trần Đề, tạo quỹ đất phát triển khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đầu tư kết nối các tuyến đường bộ, đường thủy đến với cảng Trần Đề, tạo động lực phát triển cho cảng.

Phối cảnh Cảng biển Trần Đề. (Ảnh: Bộ GTVT).

Không có vị trí nào tốt hơn cửa biển Trần Đề

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương nhìn nhận, hiện nay ĐBSCL chưa có cảng cửa ngõ. Toàn bộ hàng hóa của vùng này muốn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào vùng phải trung chuyển qua TPHCM, mỗi một tấn hàng xuất đi phải chịu thêm chi phí khoảng hơn 230.000 đồng.

"Đến thời điểm này, không có vị trí nào làm cảng biển tốt như cửa Trần Đề. Bởi cảng cách TP. Cần Thơ khoảng 60 km, rất gần các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... Nếu không có cảng Trần Đề thì ĐBSCL rất khó bứt lên được. Khi xây dựng, những vị trí cách cảng này từ 50 - 70 km chắc chắn sẽ hình thành các khu, cụm công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao", ông Thể nói.

Đại diện tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng nêu thực tế: Vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TPHCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, tạo áp lực lên giao thông đường bộ.

"Trên cơ sở các ý kiến đề xuất, kiến nghị và giải pháp mà các đại biểu nêu, tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp Bộ GTVT tiếp thu, nghiên cứu, lồng ghép trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Lâu cho biết.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của đại biểu tại hội thảo để đưa ra những giải pháp tối ưu trong lộ trình quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, lộ trình đầu tư cảng biển Trần Đề.

“Hiện tỉnh Sóc Trăng đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội thảo, đề nghị trong báo cáo cần đưa ra những đề xuất phù hợp, nhất là liên quan đến ưu đãi về thuế, phí”, Thứ trưởng Sang nói.

Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xem xét kiến nghị đầu tư cầu dẫn bằng ngân sách Nhà nước giống như đã đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Công Thương và tỉnh Sóc Trăng quan tâm đến ý tưởng của tư vấn lập quy hoạch trong kết hợp xây dựng các dự án điện gió với dự án cảng biển.

Cảng biển Trần Đề có công suất thiết kế 80-100 triệu tấn/năm

Ngày 24/7/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 886/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng. Tổng diện tích quy hoạch 5.400 ha (diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400 ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ 4.000 ha (giai đoạn đến 2030 là 1.000 ha).

Chỉ tiêu chính quy hoạch bến cảng Trần Đề (đê chắn sóng 8,3 km; cầu dẫn vượt biển 18 km; cỡ tàu 100.000 DWT hoặc lớn hơn (tương lai đến 200.000 DWT); tàu hàng rời đến 160.000 DWT); công suất thiết kế 80 -100 triệu tấn/năm. Kết nối giao thông với đường bộ QL1, QL91, QL91B và QL60, cùng các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh ĐBSCL về sông Hậu ra cửa Trần Đề bảo đảm cho hoạt động đầu tư, khai thác cảng Trần Đề.

Các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (CT34) và cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh - Sóc Trăng, mở rộng QL91B đang chuẩn bị đầu tư, đảm bảo kết nối cảng Trần Đề với các tỉnh. Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu 52,6 km; luồng Định An - Sông Hậu 182,3 km; luồng Trần Đề 68,9 km.

Trải thảm mời doanh nghiệp đầu tư vào Cảng Trần Đề

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đầu tư vào dự án cảng nước sâu Trần Đề, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Đồng thời, nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phan Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.