|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

25 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý II: Vinhomes tiếp tục là quán quân lợi nhuận, một doanh nghiệp cảng biển lọt top

07:00 | 02/08/2023
Chia sẻ
Vinhomes tiếp tục soán ngôi Vietcombank làm quán quân lợi nhuận ròng trong quý II với mức tăng lợi nhuận đột biến 1.348% so với cùng kỳ.

 Đồ hoạ: Alex Chu.

Theo dữ liệu từ Wichart cho thấy tính tới hết ngày 1/8 có tổng cộng 1.025 doanh nghiệp trên ba sàn công bố báo cáo tài chính. Trong đó, có khoảng 37% đơn vị có doanh thu tăng trưởng và gần 31% công ty ghi nhận lợi nhuận ròng quý II tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê cho thấy có 25 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng đạt trên 1.000 tỷ đồng trong quý II. Trong đó có 14 ngân hàng, hai doanh nghiệp bất động sản, hai doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí.

Có 16/25 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng trong quý II, trong đó mức tăng cao nhất thuộc về CTCP Vinhomes (Mã: VHM).

Vinhomes cũng tiếp tục là quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán với mức lãi ròng 9.652 tỷ, gấp gần 14,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Vinhomes, các đợt mở bán thành công của dự án Vinhomes Ocean Park 2 và Vinhomes Ocean Park 3 với giá trị hợp đồng ký mới (doanh số) và doanh số chưa bàn giao đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 đã tạo tiền đề vững chắc cho doanh thu lợi nhuận của Vinhomes trong năm 2023.

Tính đến hết tháng 6/2023, doanh số bán hàng của Vinhomes đạt 40.600 tỷ đồng, chủ yếu đến từ kênh bán lẻ. Trong đó, doanh số quý II đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 58% so với quý I.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Ngoài Vinhomes thì một "người anh em" khác của doanh nghiệp này là CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) báo lãi 1.001 tỷ quý II, tăng 29% so với quý II năm ngoái và là quý thứ 5 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng liên tiếp.

Một cái tên mới xuất hiện trong danh sách lãi nghìn tỷ quý này là CTCP Gemadept (Mã: GMD).

Quý II, Gemadept lãi ròng đột biến 1.646 tỷ đồng, tăng 472% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ. Đây là quý thứ hai doanh nghiệp cảng biển này báo lãi trên nghìn tỷ trong quý nhưng lại là quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của Gemadept. Quý I/2018, Gemadept từng lãi ròng 1.239 tỷ nhờ nguồn thu từ chuyển nhượng vốn đầu tư ở công ty con.

Trong số các đơn vị phi tài chính, ngoài Gamadept báo lãi kỷ lục còn có Tập đoàn FPT (Mã: FPT)  và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV)  cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý II cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Trong 7 đơn vị có lãi ròng suy giảm so với quý II/2022, Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR)  là doanh nghiệp có mức giảm sâu nhất là 87% còn 1.339 tỷ.

Giải trình về kết quả kinh doanh, công ty cho biết, 2022 là năm có giá dầu thô biến động nhiều và tăng cao nhất, đạt 123 USD/thùng vào tháng 6/2022.

Trong khi đó, quý II năm nay, giá dầu thô từ mức 85 USD/thùng đầu tháng 4 giảm xuống còn 74 USD/thùng vào cuối tháng 6. Đồng thời, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô quý II/2022 tốt hơn so với quý II năm nay.

Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG)  ghi nhận mức giảm sâu thứ hai (64%) trong 25 doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong và ngoài nước còn yếu. Dù báo lãi trên nghìn tỷ nhưng con số vẫn còn ở mức rất thấp so với thời kỳ hoàng kim của "chiếc xe lu" trong ngành thép.

Quý III/2021, Hoà Phát ghi nhận mức lợi nhuận ròng kỷ lục 10.351 tỷ đồng, lọt top những đơn vị báo lãi cao nhất sàn chứng khoán. 

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Doanh nghiệp sản xuất điện duy nhất lọt top lãi nghìn tỷ trong quý II là Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3 - Mã: PGV). Quý II, PGV lãi ròng 1.088 tỷ, gấp 1,92 lần cùng kỳ và cao nhất kể từ quý III/2020. Nguyên nhân là sản lượng điện bán cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 đồng thời doanh thu tài chính tăng đột biến so với cùng kỳ.

 

25 doanh nghiệp có lãi ròng cao nhất thị trường. (Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính và Wichart).

15 doanh nghiệp có doanh thu cao nhất thị trường

Thống kê cho thấy Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex - Mã: PLX)  tiếp tục là quán quân doanh thu trong quý II với 65.752 tỷ song đã giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Petrolimex thì hai đại diện khác trong nhóm phân phối xăng dầu là Lọc hoá dầu Bình Sơn và PV OIL  cũng luôn nằm trong top doanh thu trên sàn.

Cả ba doanh nghiệp trong nhóm phân phối xăng dầu đều ghi nhận doanh thu thuần suy giảm so với quý II/2022.

Trong 15 doanh nghiệp top doanh thu trên sàn, công ty có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất là Vinhomes mới mức tăng 634% trong quý và xếp thứ ba trên sàn (32.833 tỷ).

Một cái tên lạ xuất hiện trong top doanh thu trên sàn là CTCP Kinh doanh than Miền Bắc - Vinacomin (Mã: TMB) với 11.464 tỷ quý II, tăng 86% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có doanh thu cao nhất của TMB kể từ khi công bố số liệu tài chính. Doanh thu cao kỷ lục cũng đem về cho TMB khoản lãi ròng kỷ lục 153 tỷ quý II, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

TMB là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - một mắt xích trong dây chuyền sản xuất, chế biến và tiêu thụ than. Công ty bán than chủ yếu ở khu vực phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra.

15 doanh nghiệp có doanh thu cao nhất thị trường.(Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính và Wichart).

Hoàng Kiều

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.