|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bức tranh tài chính của Vietnam Airlines: Đi vay hơn tỷ USD, nợ ngắn hạn gấp 4,3 lần tài sản ngắn hạn, vốn chủ âm gần 11.600 tỷ đồng

11:49 | 01/08/2023
Chia sẻ
Vốn lưu động âm gần 44.000 tỷ, lỗ luỹ kế gần 36.000 tỷ khiến vốn chủ sở hữu âm gần 11.600 tỷ đồng cuối quý II trong khi Vietnam Airlines đang gánh khoản nợ vay gần 28.000 tỷ cho thấy những dấu hiệu báo động về tình hình tài chính của hãng hàng không quốc doanh.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) cho biế tính tới hết quý II/2022, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 59.158 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. 

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

Tổng nợ vay của hãng bay này cuối quý II là 27.987 tỷ đồng, chiếm hơn 47% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 15.958 tỷ còn 12.029 tỷ là vay dài hạn song không được thuyết minh chi tiết.

Nửa đầu năm, Vietnam Airlines vay tổng cộng 16.430 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 15.468 tỷ đồng và trả nợ gốc thuê tài chính 1.256 tỷ. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong 6 tháng là 777 tỷ, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái dù nợ vay có xu hướng giảm qua từng quý trong bối cảnh lãi suất VND đã tăng cao từ 6 tháng cuối năm 2022 và mới chỉ bắt đầu giảm dần vào cuối quý II/2023. 

 Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

Tại ngày 30/6, Vietnam Airlines có tổng cộng 3.871 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

Tài sản ngắn hạn cuối quý II của Vietnam Airlines là 13.281 tỷ trong khi nợ ngắn hạn lên tới 57.274 tỷ đồng tức vốn lưu động âm 43.993 tỷ đồng, báo động về khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.

Việc liên tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu tính tới cuối quý II của hãng bay này âm 11.598 tỷ, trong đó hãng bay này lỗ luỹ kế 35.667 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines dương 993 tỷ, dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 126 tỷ và dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 493 tỷ do tăng trả nợ. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 463 tỷ.

 Ảnh: Vietnam Airlines.

Bài toán tái cơ cấu đang là một vấn đề nan giải của hãng hàng không quốc doanh khi công ty đã thua lỗ 14 quý liên tiếp, vốn chủ âm sâu và có nguy cơ huỷ niêm yết 2,2 tỷ cổ phiếu trên HOSE.Song cho tới nay, doanh nghiệp vẫn trì hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 dù đã quá hạn. Với việc 3 năm liên tiếp thua lỗ, nếu hãng bay này công bố báo cáo kiểm toán 2022 thì theo quy định doanh nghiệp buộc phải huỷ niêm yết.

Hiện, hãng khai thác đội tàu bay lớn nhất với khoảng 125 chiếc. Với tham vọng nâng đội tàu bay lên khoảng 166 - 186 chiếc tới năm 2030 thì câu chuyện nguồn vốn với Vietnam Airlines càng trở nên khó khăn.

Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đề án, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để có thêm dòng tiền hoạt động, Vietnam Airlines đã thông báo thanh lý một loạt tàu bay, có kế hoạch thoái vốn Skypec hay Pacific Airlines.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết 6 tháng đầu năm, thị trường hàng không nội địa cơ bản phục hồi tốt, vượt 8% so với trước dịch năm 2019. Tuy nhiên, thị trường quốc tế mới chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch, thậm chí một thị trường lớn như Trung Quốc thì lượng khách đến mới chỉ phục hồi 9%.

Người đứng đầu hãng hàng không quốc doanh nhận định 6 tháng cuối năm ngành hàng không còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, mâu thuẫn địa chính trị giữa Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhanh, có lúc tăng gấp đôi trước dịch, trong khi nhiên liệu chiếm 60% chi phí hàng không.

Ông Hoà chia sẻ: "Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Kiều

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.