|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cục diện ngành hàng không: Bài toán tái cơ cấu đè nặng các doanh nghiệp, cuộc đua mở rộng đội tàu bay thêm khó

20:00 | 19/07/2023
Chia sẻ
Hệ luỵ từ đại dịch chưa qua, với khoản lỗ luỹ kế hàng chục nghìn tỷ của ông lớn quốc doanh Vietnam Airlines hay những biến động thượng tầng ở Bamboo Airways thì bài toán tái cấu trúc lại càng khó khăn hơn.

Đồ hoạ: Alex Chu.

Quy mô đội tàu bay của các hãng

Hiện nay, Việt Nam đang có 6 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines, Vasco. 

Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc doanh, thành lập năm 1993. Vietnam Airlines định vị là một hãng hàng không 4 sao và cũng là hãng khai thác đội tàu bay lớn nhất với khoảng 125 chiếc (tính tới hết 2021). Hãng nhà nước này có kế hoạch nâng đội bay lên khoảng 166 - 186 chiếc tới năm 2030.

Vasco là một hãng trực thuộc Vietnam Airlines, chuyên khai thác các đường bay từ TP HCM đến các địa phương ở Nam Bộ, đến các hải đảo và bay trong các khu vực Bắc Bộ. Ngoài ra, Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, cũng là một đơn vị thành viên của Vietnam Airlines do Vietnam Airlines sở hữu gần 99% vốn.

Ba hãng hàng không tư nhân của Việt Nam là Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Trong đó, Vietjet có tuổi đời lâu nhất, được cấp phép hoạt động năm 2007 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2011.

Vietjet Air định vị là hãng hàng không giá rẻ với đội tàu bay khoảng 75 chiếc (hết năm 2022), đều của Airbus với các dòng chủ yếu là A321ceo, A320, A321neo - dòng máy bay chuyên phục vụ tuyến bay ngắn (5-6 giờ bay), giúp Vietjet tiết kiệm được một khoản lớn chi phí vận hành cũng như ăn uống, nghỉ ngơi cho đội ngũ bay vì có thể quay vòng nhiều chuyến, tiết kiệm chi phí xăng. Hãng này có kế hoạch nâng đội bay lên 87 chiếc năm nay.

Bamboo Airways do Tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch sáng lập và được cấp phép hoạt động năm 2017. Hãng này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2019. Hiện Bamboo Airways đang khai thác đội tàu bay gồm 29 chiếc (3 tàu B787, 21 tàu thân hẹp (A321,A320 và A319), 5 tàu phản lực khu vực Embraer 190).

Còn Vietravel Airlines là một hãng hàng không lữ hành đầu tiên ở nội địa thuộc Vietravel, có tuổi đời ít nhất khi chính thức bay thương mại hồi đầu năm 2021. Hãng này đang khai thác đội bay gồm 3 chiếc A321 và dự kiến đón thêm 3 tàu bay vào quý III/2023.

Thị phần năm 2022 được tính toán dựa trên số chuyến bay của từng hãng. (Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam).

Căn cứ trên số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng có số chuyến bay nhiều nhất năm 2022 với 115.987 chuyến, tương đương thị phần khoảng 37%. Xếp sau là hãng hàng không Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với số chuyến bay cả năm ngoái không chênh quá nhiều với Vietnam Arilines (115.731 chuyến), thị phần xấp xỉ 36,9%.

Hãng hàng không với biểu tượng cây tre nắm giữ thị phần khoảng 16,6% với gần 52.000 chuyến bay năm 2022.

Song số liệu của năm 2022 chưa phản ánh đúng thực trạng ngành hàng không Việt Nam khi vẫn chưa thoát khỏi dịch bệnh cũng như thế giới chưa chính thức mở cửa bầu trời, đặc biệt là sự vắng bóng của các du khách Trung Quốc.

Dù chỉ xếp thứ ba về thị phần song Bamboo Airways hiện đang là hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất với 26.220 tỷ đồng, Vietnam Airlines xếp sau với 22.144 tỷ. 

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ công bố thông tin của các hãng hàng không và Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Các hãng kiếm tiền ra sao?

Hai năm dịch bệnh khiến sức khoẻ các doanh nghiệp hàng không suy yếu, đặc biệt là năm 2020 và 2021. Dù năm 2022 ngành hàng không đã phục hồi song vẫn chưa thể quay về giai đoạn trước dịch.

Xét về quy mô doanh thu, hãng hàng không quốc doanh Vietnam Airlines đứng đầu toàn ngành, ghi nhận mức cao nhất vào năm 2019 trước khi giảm sâu giai đoạn 2020 - 2022 do dịch COVID-19.

Doanh thu của Vietnam Airlines đến chủ yếu từ vận tải hàng không (chiếm 73% năm 2022) còn lại là doanh thu bán hàng, phụ trợ vận tải. Còn với Vietjet, ngoài những nguồn thu vừa nêu, hãng còn có doanh thu đến từ hoạt động bán tàu bay và cho thuê khô tàu bay khô. Đây cũng là hoạt động đem lại lại nguồn thu lớn cho Vietjet trong nhiều năm qua. 

Nghiệp vụ sales and leaseback (SLB)  không còn là một khái niệm xa lạ trong ngành hàng không thế giới.Theo mô hình này, các hãng hàng không đặt mua máy bay từ nhà sản xuất, bán cho công ty cho thuê rồi thuê lại chính chiếc máy bay đó nếu có nhu cầu khai thác và hàng năm trả chi phí thuê. 

Với các hãng hàng không mới thành lập có tiềm lực tài chính yếu, mô hình SLB đem đến nhiều lợi ích như hưởng chiết khấu cao khi đặt mua nhiều máy bay từ các hãng sản xuất; tiền đặt cọc thấp và có thể tăng doanh thu, làm đẹp báo cáo tài chính.

Nhiều nghi vấn trái chiều đã được đặt ra liên quan tới nguồn thu từ bán máy bay song tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định đây là một "hoạt động bình thường".

 

Chúng ta đặt một số lượng lớn tàu bay, nhận trong thời gian dài theo kế hoạch, nhờ đó chúng ta có được những điều khoản với giá tốt hơn thị trường. Khi chúng ta bán những tàu bay này ra thị trường, chúng ta có lãi. Chênh lệch ở đây là rất chính đáng thôi, mua sỉ rồi bán lẻ ra thị trường, tiền thật thu về là chênh lệch thực tế

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Vietjet

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính năm 2022 của các doanh nghiệp. (Số liệu năm 2022 của Vietnam Airlines là ở báo cáo tự lập do doanh nghiệp chưa công bố báo báo cáo kiểm toán).

Đứng đầu về doanh thu nhưng Vietnam Airlines cũng là doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lớn nhất trong giai đoạn 2020 - 2022 khi tổng số lỗ của ba năm này lên tới hơn 34.800 tỷ đồng.

Giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu thị trường hàng không xuống thấp trong khi tải dư thừa khiến cho các hãng hàng không buộc phải giảm lượng ghế cung ứng, số chuyến bay và tần suất trên diện rộng nhằm tăng cường hiệu quả hệ số sử dụng ghế và doanh thu.

Sự cạnh tranh về thị phần và trên từng chuyến bay diễn ra quyết liệt trên từng ngày, từng chuyến khiến giá vé máy bay xuống mức rất thấp khi loạt chương trình khuyến mại, kích cầu được đưa ra khiến các hãng thua lỗ.

Việc lỗ lớn ba năm liên tiếp khiến Vietnam Airlines có nguy cơ bị huỷ niêm yết hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN trên HOSE. Song cho tới nay, doanh nghiệp vẫn trì hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 dù đã quá hạn.

Dẫu cũng có thị phần ngang ngửa ông lớn quốc doanh song hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air chỉ thua lỗ hơn 2.260 tỷ đồng năm 2022 còn năm 2020, 2021 vẫn có lãi nhờ doanh thu tài chính (chuyển nhượng cổ phần) và lợi nhuận khác.

Năm 2022 chứng kiến sự phục hồi của các hãng hàng không song Bamboo Airways lại ghi nhận khoản lỗ kỷ lục, vượt cả Vietnam Airlines do xuất hiện khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 12.700 tỷ .

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính năm 2022 của các doanh nghiệp. (Số liệu năm 2022 của Vietnam Airlines là ở báo cáo tự lập do doanh nghiệp chưa công bố báo báo cáo kiểm toán).

So găng sức khoẻ tài chính ba ông lớn hàng không

Trong 6 hãng hàng không kể trên, chỉ có Vietnam Airlines và Vietjet Air là hai đơn vị được niêm yết trên HOSE.

Vietnam Airlines từng là doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn nhất trong ngành song việc thua lỗ lớn giai đoạn 2020 - 2022 khiến vốn chủ sở hữu giảm sâu (ghi nhận âm 10.239 tỷ cuối quý I/2023) là nguyên nhân chính khiến tài sản Vietjet Air vươn lên đứng đầu.

Lỗ lớn năm 2022 cũng khiến vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways âm 836 tỷ đồng hết năm 2022.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính năm 2022 của các doanh nghiệp. (Số liệu năm 2022 của Vietnam Airlines là ở báo cáo tự lập do doanh nghiệp chưa công bố báo báo cáo kiểm toán).

Trong bối cảnh chi phí lãi vay tăng cao thì vay nợ lớn khiến chi phí lãi vay leo thang, bào mòn lợi nhuận của các hãng hàng không trong khi doanh thu chưa hồi phục về trước dịch.

Giai đoạn dịch bệnh khiến dòng tiền của Vietnam Airlines cạn kiệt và từng được chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ để giải cứu.

Trong chia sẻ đầu tháng 7, Chủ tịch Vietnam Airlines đánh giá các hãng hàng không vẫn rất khó khăn và đề xuất xin nhiều cơ chế hỗ trợ. Tổng nợ vay cuối quý I của hãng này là 27.249 tỷ đồng, chủ yếu từ các ngân hàng.

Còn với khoản nợ vay hơn 18.800 tỷ của Vietjet thì ngoài ngân hàng, doanh nghiệp vay từ trái phiếu khoảng 10.650 tỷ đồng. 

Với Bamboo Airways, hãng nãy đang nợ hơn 10.623 tỷ cuối năm 2022, tăng gấp đôi so với 2021 song không được thuyết minh chi tiết.

Các hãng như Vietnam Airlines hay Bamboo Airways đang phải tích cực tái cấu trúc để ổn định hoạt động, hiện thực hoá mục tiêu mở rộng đội bay, đón sóng hồi phục của thị trường.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính năm 2022 của các doanh nghiệp. (Số liệu năm 2022 của Vietnam Airlines là ở báo cáo tự lập do doanh nghiệp chưa công bố báo báo cáo kiểm toán).

Bài toán tái cơ cấu đè nặng doanh nghiệp hàng không 

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết 6 tháng đầu năm, thị trường hàng không nội địa cơ bản phục hồi tốt, vượt 8% so với trước dịch năm 2019.

Tuy nhiên, thị trường quốc tế mới chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch, thậm chí một thị trường lớn như Trung Quốc thì lượng khách đến mới chỉ phục hồi 9%.

Người đứng đầu hãng quốc doanh nhận định 6 tháng cuối năm ngành hàng không còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, mâu thuẫn địa chính trị giữa Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhanh, có lúc tăng gấp đôi trước dịch, trong khi nhiên liệu chiếm 60% chi phí hàng không.

Ông Hoà chia sẻ: "Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Hải - cựu Tổng Giám đốc Bamboo Airways chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên rằng năm nay vẫn là một giai đoạn khó khăn của các hãng hàng không trong đó có Bamboo Airways.

Do nhu cầu nén vào năm 2022 đã bung ra nên 2023 người dân sẽ tiết kiệm trở lại, đây là một trong những yếu tố không thuận lợi với ngành hàng không. Ngoài ra, giá nhiên liệu cũng là vấn đề đau đầu với các hãng hàng không, hiện đã ổn định nhưng ở mức cao. Một số thị trường phục hồi tốt không tốt như kỳ vọng, ông Hải cho hay.

Sức khoẻ tài chính suy yếu sau cú sốc đại dịch, bài toán tái cơ cấu đang trở thành vấn đề nan giải của ngành hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines cùng hai tân binh Bamboo Airways, Vietravel Airlines.

Nhiều chuyên gia và các lãnh đạo trong ngành đều chung nhận định ngành hàng không có thể phục hồi về mức trước dịch trong năm 2024. Song để hiện thực hoá mục tiêu mở rộng đội tàu bay thì bài toán nguồn lực tài chính đang là vấn đề đau đầu với nhiều hãng đơn cử như Vietnam Airlines hay Bamboo Airways.

Để có thêm dòng tiền hoạt động, Vietnam Airlines đã có kế hoạch phát hành cổ phiếu, thanh lý một loạt tàu bay, thoái vốn Skypec hay Pacific Airlines.

Với hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, để có nguồn lực tăng đội bay và bổ sung vốn, doanh nghiệp này đã có kế hoạch huy động gần 7.100 tỷ đồng từ trái phiếu đồng thời muốn chào bán cổ phần mới, có thể là cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi nhưng tối đa 20% số lượng cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán (khoảng 108 triệu cổ phiếu hiện tại).

Giữa tháng 6, lãnh đạo của Bamboo Airways cho hay nhà đầu tư mới của hãng này đã rót thêm gần 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ và tái cơ cấu nguồn vốn, chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu để cân bằng các khoản lỗ, đưa vốn điều lệ dương trở lại nhằm đảm bảo điều kiện cho Bamboo Airways tiếp tục hoạt động và có thể xin tăng quy mô đội bay.

 

Để đạt được mục tiêu chấm dứt lỗ vào năm 2024, Airways muốn có lãi thì vẫn phải tăng quy mô sản xuất, 30 tàu bay là không đảm bảo hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Hải - cựu Tổng Giám đốc Bamboo Airways

 

Hệ luỵ từ đại dịch chưa qua, với khoản lỗ luỹ kế hàng chục nghìn tỷ của ông lớn quốc doanh hay những biến động thượng tầng ở Bamboo Airways thì bài toán tái cấu trúc lại càng khó khăn hơn.

Hoàng Kiều

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).