|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways lỗ kỷ lục hơn 17.600 tỷ đồng năm 2022, xuất hiện khoản nợ khó đòi gần 12.500 tỷ

15:04 | 14/06/2023
Chia sẻ
Báo cáo kiểm toán năm 2022 của Bamboo Airways cho thấy nhiều vấn đề hãng hàng không này đang đối mặt gồm nợ khó đòi gần 12.500 tỷ đồng, tiền mặt còn chưa tới trăm tỷ và âm vốn chủ sở hữu 835 tỷ đồng.

Tàu bay của Bamboo Airways trong sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh minh họa: MH).

Lỗ kỷ lục hơn 17.600 tỷ đồng, dự phòng nợ khó đòi ngốn gần 12.500 tỷ

Theo báo cáo kiểm toán năm 2022 do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY thực hiện, doanh thu của Bamboo Airways gấp 3,3 lần so với 2021 đạt 11.732 tỷ đồng.

Dù nguồn thu cải thiện tích cực, hãng hàng không này vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi ghi nhận lỗ gộp 3.209 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 lỗ gộp 4.060 tỷ đồng. Công ty cho biết vẫn lỗ gộp do những khó khăn từ thị trường Đông Bắc Á và xung đột Nga - Ukraine làm giá nhiên liệu bay tăng vọt.

Mức lỗ gộp của Bamboo Airways năm 2022 cao hơn nhiều so với mức lỗ gộp 2.625 tỷ đồng của Vietnam Airlines (Mã: HVN) và 1.993 tỷ đồng của Vietjet (Mã: VJC). Hiện tại Bamboo Airways đang khai thác đội tàu bay 29 chiếc, trong khi hãng hàng không Quốc gia Việt Nam có trên 110 tàu còn hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trên 80 máy bay.

Hiện tại Vietnam Airlines chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022. Tuy nhiên tính đến hiện tại, mức lỗ gộp của Bamboo Airways năm 2022 cao hơn nhiều so với mức lỗ gộp của hai hãng hàng không còn lại. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của công ty).

Trong năm 2022, doanh thu tài chính của Bamboo Airways chỉ còn 121 tỷ đồng, giảm mạnh 95% so với mức 2.571 tỷ đồng năm 2021. Trong khi đó, chi phí tài chính là 1.406 tỷ, gấp 4,7 lần.

Chi phí doanh nghiệp cũng bị đội lên 80 lần lên 12.749 tỷ đồng. Nguyên nhân là Bamboo Airways ghi nhận khoản dự phòng khoản phải thu ngắn và dài hạn khó đòi là 12.492 tỷ đồng tại cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Kết quả cả năm 2022, hãng hàng không này lỗ sau thuế 17.619 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi hoạt động. 

 Nguồn: BCTC đã kiểm toán của Bamboo Airways.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của công ty. 

Tại đại hội bất thường hồi tháng 4, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc cho biết năm 2023, tình hình của Bamboo Airways đã tích cực hơn. Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT thông tin hãng đã gần đạt điểm hòa vốn trong quý I khi đội tàu bay hoạt động hết công suất. Theo ông Trọng, Bamboo Airways "sẽ lên khỏi mặt đất từ năm 2024" và có lãi từ năm 2025.

Cạn tiền, âm vốn chủ sở hữu

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Bamboo Airways giảm gần 8.900 tỷ đồng về 18.007 tỷ đồng, tức giảm 1/3 so với đầu năm. Trong đó mức giảm chính đến từ các khoản phải thu ngắn hạn còn 3.626 tỷ đồng, giảm hơn 6.500 tỷ đồng sau một năm, chiếm phần lớn là phải thu về cho vay. 

Tính đến cuối kỳ, công ty chỉ còn 82 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm nhiều so với mức 1.122 tỷ đồng đầu năm. Bên cạnh đó, công ty đầu tư vào chứng khoán gần 6.308 tỷ đồng (không được thuyết minh cụ thể). Hãng hàng không cũng đang dành 210 tỷ đồng đầu tư vào các công ty thành viên, trong đó đã trích lập dự phòng đầu tư dài hạn hơn 730 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2022, công ty đi vay tổng cộng 10.623 tỷ đồng, gấp 2,2 lần đầu năm và chiếm 56% tổng nợ phải trả. Trong năm, công ty đã chi trả 544 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Cuối kỳ, do khoản lỗ lũy kế hơn 19.336 tỷ đồng đã ăn mòn toàn bộ vốn góp và khiến vốn chủ sở hữu âm 835 tỷ đồng.

Ngày 21/6 tới, Bamboo Airways sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tại Hà Nội để trình về kế hoạch kinh doanh năm 2023, miễn nhiệm HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 và bầu thành viên mới nhiệm kỳ 2023 - 2028,...

Minh Hằng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.