|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xây dựng Hòa Bình công bố số liệu sau kiểm toán: Lỗ lũy kế tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng

08:49 | 02/07/2023
Chia sẻ
Xây dựng Hòa Bình vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022 với mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết do ghi nhận khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 1.700 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh âm gần 900 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 563 tỷ.

Ảnh minh họa: MH.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 do Công ty ty TNHH Ernst & Young Việt Nam thực hiện.

Lỗ ròng hơn 2.500 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.400 tỷ sau kiểm toán

Năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 14.149 đồng, tăng gần 25% so với năm 2021 và tăng nhẹ so với con số ở báo cáo tự lập. So với kế hoạch doanh thu năm, tập đoàn đạt gần 81% chỉ tiêu.

Trong đó, doanh thu từ hợp đồng xây dựng là 13.827 tỷ đồng, với doanh thu của hợp đồng xây dựng đang thực hiện được ghi nhận trong năm là 9.235 tỷ, doanh thu của hợp đồng xây dựng đã hoàn thành ghi nhận trong năm là 4.592 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán chiếm tới gần 97% của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của tập đoàn còn 470 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 3,3%, so với mức 7,1% năm trước đó.

Các chi phí của tập đoàn trong năm 2022 đều tăng mạnh so với 2021. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 72% chủ yếu do chi phí lãi vay tăng. Tính tới cuối năm 2022, HBC đi vay 6.130 tỷ đông, tăng hơn 1.033 tỷ đồng so với đầu năm.

Chi phí doanh nghiệp cũng bị đội lên đến 2.246 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2021, chủ yếu là do dự phòng khoản phải thu khó đòi (1.689 tỷ đồng), trong đó, công ty phải trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của khách hàng gần 950 tỷ đồng, dự phòng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng khó đòi là 426 tỷ đồng, và dự phòng trả trước cho người bán ngắn hạn khó đòi là 163 tỷ đồng,...

Kết quả, công ty lỗ sau thuế 2.570 tỷ đồng, lỗ sau thuế công ty mẹ là 2.566 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập chỉ lỗ ròng 1.138 tỷ đồng. Đây cũng là số lỗ lớn nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết. Tính đến cuối năm 2022, công ty lỗ lũy kế 2.101 tỷ đồng.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của công ty. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán và báo cáo tự lập năm 2022 của công ty. 

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2022 âm 883 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 553 tỷ đồng, trong khi dòng tiền cho hoạt động tài chính dương 1.198 tỷ đồng.

Với kết quả trên, phía kiểm toán Ernst & Young đã đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HBC. Kiểm toán còn lưu ý tập đoàn có các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn.

"Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, HBC đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn", báo cáo kiểm toán được lập ngày 30/6/2023 thông tin.

Ernst & Young cũng lưu ý người đọc về việc HBC đã thực hiện một số nghiệp vụ tạm ứng khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Các nghiệp vụ này sau đo đã được Hội đồng quản trị thông qua tại ngày 20/5/2023.

Hơn 1.500 tỷ đồng nợ vay đến hạn chưa thanh toán

Tính đến cuối tháng 12/2022, công ty ghi nhận 10.672 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, chiếm tới 68% tổng tài sản, trong đó phải thu của khách hàng là 6.590 tỷ đồng và phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 3.665 tỷ đồng. Đồng thời phải trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 2.060 tỷ đồng.

Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng là 540 tỷ đồng. Trong năm, công ty lãi hơn 15 tỷ đồng từ tiền gửi và tiền cho vay.

Tính tới 31/12/2022, nợ phải trả của tập đoàn lên tới 14.375 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nguồn vốn, trong đó phải trả người bán ngắn hạn là 4.738 tỷ và đi vay 6.130 tỷ đồng, đa số là vay ngắn hạn từ các ngân hàng.

Theo thuyết minh, tại cuối tháng 12/2022, khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng với giá trị 3.918 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán và tập đoàn đã trả được 2.375 tỷ đồng, tức còn 1.543 tỷ đồng chưa thanh toán. Đối với số dư nợ còn lại đã quá hạn hoặc có thời gian đáo hạn 12 tháng tới, xét tại ngày 30/6/2023, HBC đang quá trình đàm phán với ngân hàng về phương án trả nợ, xin gia hạn nợ.

Cuối quý IV/2022, khoản lỗ hơn 2.100 tỷ đồng đã ăn mòn vốn chủ sở hữu của HBC từ 4.056 tỷ đồng còn 1.218 tỷ đồng.

Năm nay, để khắc phục về dòng tiền, HBC đã có kế hoạch tái cấu trúc để trở lại vị thế số 1 ngành xây dựng. Trong đó, tái cấu trúc tài chính là ưu tiên hàng đầu của HBC trong lúc này. Đó là việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cp.   

Cổ phiếu được phát hành thêm cho cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của HBC.

Bên cạnh đó là công tác tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới và định giá lại tài sản của công ty. Việc tiến hành định giá tài sản mà chủ yếu là máy móc, thiết bị để ghi nhận lại giá trị hiện tại và khẳng định giá trị còn cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trong sổ sách kế toán.

HBC cũng dự kiến thu được hơn 1.100 tỷ đồng từ việc bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của tập đoàn) cho nhà đầu tư Ashita Group.

Đồng thời, nhiều bất động sản của công ty bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP HCM mua từ nhiều năm trước cũng sẽ được định giá lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế , giúp tăng thêm vốn chủ sở hữu cho HBC.

Minh Hằng