|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Bình (HBC) sẽ định giá lại tài sản để tăng hạn mức tín dụng, bao gồm 3 bất động sản tại TP HCM

07:07 | 28/06/2023
Chia sẻ
Tái cấu trúc tài chính là một trong 5 giải pháp nằm trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện của Hòa Bình (HBC) được thực hiện từ năm nay. Trong đó, công ty sẽ huy động hàng nghìn tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ, chuyển nhượng công ty METAC, định giá tại sản, giãn nợ,…

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào chiều ngày 27/6, ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đến nay HBC đã sẵn sàng cho kế hoạch tái cấu trúc toàn diện với 5 giải pháp: (1) Tái cấu trúc tài chính; (2) tái cấu trúc sản phẩm và thị trường; (3) tái cấu trúc hệ thống quản lý; (4) tái cấu trúc nguồn nhân lực; (5) tái cấu trúc công ty thành viên và liên kết. Trong đó, tái cấu trúc tài chính là ưu tiên hàng đầu.

Huy động hàng nghìn tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ

Các cổ đông đã thông qua phương án để HBC phát hành 274 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 12.000 đồng/cp trong năm 2023, tương đương tổng vốn huy động tối thiểu 3.288 tỷ đồng. Trong đó, phát hành cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp để hoán đổi nợ khoảng 1.050 tỷ đồng và phát hành cho cổ đông chiến lược khoảng 2.238 tỷ đồng.

Ông Nam thông tin: “Hiện nay, có 4 đối tác rất quan tâm và đang thảo luận với HBC để đi đến ký kết MoU. Trong đó, có một đối tác từ Australia sẵn sàng chi 60-100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC”.

Đồng thời, HBC sẽ chuyển nhượng công ty METAC và một phần máy móc, thiết bị cho đối tác. Vốn điều lệ của METAC khoảng 20 tỷ đồng và HBC đã thương lượng với đối tác để chuyển nhượng với giá 85 tỷ đồng. Phần máy móc, thiết bị đã được khấu hao 100%, trước đây HBC đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, hiện giá thị trường khoảng 1.500 tỷ đồng và HBC sẽ chuyển nhượng lại cho đối tác với giá 1.100 tỷ đồng.

“HBC có thể thu về tổng số tiền 1.185 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng này. Số tiền này sẽ giúp công ty có thanh khoản trong giai đoạn sắp tới”, ông Lê Văn Nam nói.

Ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc Hòa Bình (HBC) trình bày kế hoạch tái cấu trúc toàn diện tập đoàn. (Ảnh: HBC).

Định giá lại 3 bất động sản ở TP HCM

HBC cũng có kế hoạch định giá lại tài sản, trong đó có hai loại tài sản đang được làm quyết liệt: (1) Thiết bị đã được đầu tư cách đây nhiều năm với giá hợp lý và hiện giá thị trường đã tăng lên, giá trị khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, khấu hao 40%; (2) các bất động sản như khu đất 233-235 Võ Thị Sáu trước đây là văn phòng của HBC được ghi nhận giá trị khoảng 30 tỷ đồng, hiện giá thị trường không dưới 150 tỷ đồng; khu đất 5.000 m2 ở 1C Tôn Thất Thuyết (quận 4) do một chủ đầu tư gán nợ với giá 97 tỷ đồng và hiện không dưới 500 tỷ đồng nếu hoàn thiện pháp lý; khu đất 3 ha tại huyện Nhà Bè trước đây HBC mua với giá dưới 2 triệu đồng/m2 và hiện có giá tối thiểu 20 triệu đồng/m2, có thể mang về cho công ty khoảng 600 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc HBC cho rằng với số tiền từ định giá lại các bất động sản này, tài sản của HBC có thể tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng. Mục đích định giá lại tài sản là để HBC tăng hạn mức tín dụng, bổ sung vốn lưu động cho công ty.

HBC sẽ quyết liệt thu về các khoản phải thu, bao gồm ba khoản chính. Thứ nhất, phải thu từ khách hàng kéo dài khoảng 2.742 tỷ đồng. Năm 2023 dự kiến thu 995 tỷ, hoàn nhập 257 tỷ; 2024 dự kiến thu 1.250 tỷ, hoàn nhập 558 tỷ; 2025 dự kiến thu 497 tỷ, hoàn nhập 243 tỷ.

Thứ hai, phải thu của khách hàng (đã xuất hóa đơn) khoảng 3.848 tỷ đồng. HBC đang thúc đẩy các chủ đầu tư thanh toán theo đúng tiến độ hợp đồng. Đối với một số chủ đầu gặp khó khăn về tài chính, lãnh đạo HBC cho biết công ty rất thiện chí để thương lượng chuyển đổi nợ thành tài sản.

Thứ ba, phải thu theo tiến độ khoảng 3.665 tỷ đồng. Đây là khoản HBC đã thi công và sắp tới sẽ hoàn thành hồ sơ thanh toán, xuất hóa đơn để các chủ đầu tư thanh toán. Hiện HBC đã yêu cầu các ban chỉ huy công trường đẩy nhanh công tác ký hồ sơ thanh toán để đảm báo xuất hóa đơn đúng tiến độ.

Ông Nam cho biết, “để giảm các khoản phải thu xuống trong tương lai, chúng tôi đã yêu cầu ban pháp chế và bộ phận hợp đồng phải chuẩn hóa lại các hợp đồng, đưa điều khoản thanh toán có lợi hơn cho HBC trong các dự án mới”.

Nợ phát sinh sau ngày 24/4/2023 được giãn thêm 12 tháng

HBC cũng sẽ cấu trúc lại các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng theo Thông tư 02/2023 của NHNN. Đối với những khoản nợ phát sinh sau ngày 24/4/2023, các ngân hàng đã đồng ý giãn nợ cho HBC thêm 12 tháng.

Đồng thời, HBC đang trao đổi với các tổ chức tài chính để chuyển đổi khoản vay ngắn hạn sang trung hạn. Thay vào đó, HBC ưu tiên vay dài hạn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn 3-5 năm. Ông Nam cho biết thêm, công ty sẽ xem xét việc bán một số khoản nợ khó đòi cho đối tác, xem đó là tài sản bảo đảm để công ty phát hành trái phiếu.

Tìm kiếm nguồn thu mới

Ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc thường trực Hòa Bình (HBC) chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. (Ảnh: HBC).

Theo chia sẻ của ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc thường trực HBC: “Ngành bất động sản đối diện với nhiều thách thức nên chúng ta phải tìm nguồn thu mới. HBC dự kiến sẽ tăng nguồn đầu tư cho Hòa Bình 479 để thúc đẩy và phát triển mảng hạ tầng. Hiện các chủ đầu tư đang thiếu hụt vốn, do vậy HBC phải tăng cường tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài để cùng chủ đầu tư triển khai dự án.

Hiện HBC đang hoạt động dưới mô hình định phí rất cao. Khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao, chúng ta phải thay đổi mô hình hoạt động, tái cấu trúc chi phí để có thể kiểm soát tiến độ công trình”.

Năm 2004, HBC chỉ có doanh thu 98 tỷ đồng và đến nay tập đoàn đã trải qua hơn ba cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, khủng hoảng tài chính và nợ công 2011-2013, COVID-19 (2020-2021), gần nhất là khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đóng băng bất động sản Việt Nam 2022-2023.

“Sau mỗi lần khủng hoảng Hòa Bình đều bứt phá mạnh mẽ, minh chứng bằng 20 năm vừa qua HBC luôn tăng trưởng theo chiều hướng của ngành”, ông Hiếu nói.

(Nguồn: HBC).

Trong năm nay, HBC đặt kế hoạch doanh thu đạt 12.500 tỷ đồng, bao gồm có 7.500 tỷ đồng doanh thu ghi nhận từ backlog, 2.000 tỷ đồng doanh thu hợp đồng mới, 1.300 tỷ đồng doanh thu xuất khẩu vật liệu xây dựng, 500 tỷ đồng doanh thu từ công ty con và 1.190 tỷ đồng doanh thu khác đến từ tái cấu trúc công ty con và các vấn đề khác.

Trong đó, doanh thu backlog chủ yếu từ các chủ đầu tư: Gamuda (hơn 2.193 tỷ đồng); Keppel Land (1.700 tỷ đồng), Sonkim Land (1.631 tỷ đồng); Sun Group (1.444 tỷ đồng); Becamex (1.159 tỷ đồng);…

Về chiến lược kinh doanh 2024-2024, HBC sẽ giảm dần tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu từ 3,14 lần ở năm 2023 về 2 lần vào năm 2024 và về ngưỡng an toàn là 1 vào năm 2026. Dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dương từ năm 2024 và đạt 600 tỷ đồng vào năm 2026.

So với mức âm 356 tỷ đồng trong năm 2022, HBC đặt mục tiêu EBITDA đạt 682 tỷ đồng trong năm 2023, đạt 777 tỷ đồng trong năm 2024 và đạt 1.218 tỷ đồng vào năm 2026.

“Sắp tới, HBC không chạy theo doanh thu nữa mà chú trọng vào chất lượng doanh thu, tức là chọn những dự án tốt, dự án khả thi để tham gia đấu thầu.

Chúng tôi sẽ không tham gia vào những dự án chưa hoàn thiện pháp lý. Mặc dù chủ đầu tư có uy tín nhưng dự án thiếu tính thanh khoản thì chắc chắn nhà thầu sẽ không thu được tiền”, Tổng Giám đốc HBC khẳng định.

Ngoài ra, HBC sẽ mở rộng mảng công nghiệp bởi mảng này có khả năng quay vòng vốn ngắn, không bị nợ nhiều; tập trung vào dự án nhà ở xã hội để có dòng tiền tốt hơn; mở rộng dự án hạ tầng và đầu tư công. Sắp tới HBC có thể tham gia xây dựng hạ tầng ở một số khu công nghiệp thông qua công ty thành viên Hòa Bình 479.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo HBC, đối với những chủ đầu tư có đất nhưng chưa triển khai được dự án, HBC sẽ xem xét, nếu thấy hợp lý, phù hợp với năng lực của HBC thì công ty sẵn sàng hợp tác đầu tư.

Nguyên Ngọc