|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

HBC, Coteccons, Central và An Phong lập liên danh tham dự gói thầu hơn 35.000 tỷ ở sân bay Long Thành, cạnh tranh cùng hai nhà thầu ngoại

17:00 | 27/06/2023
Chia sẻ
Gói thầu hơn 35.000 tỷ của sân bay Long Thành là gói thầu lớn nhất và quan trọng nhất quyết định tiến độ của dự án sau khoảng thời gian dài tìm kiếm nhà thầu.

Chiều 27/6, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Cập nhật đến 16 giờ 22 phút, đại hội mới đủ điều kiện tiến hành.

Tại buổi họp chiều nay, ngoài dàn lãnh đạo của Xây dựng Hoà Bình lại có sự xuất hiện của loạt lãnh đạo các công ty xây dựng đối thủ trong ngành gồm: Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons (Mã: CTD), ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch CTCP Xây dựng Central, ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng An Phong. 

Trong ảnh gồm ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình, ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Central (áo kẻ) và ông Bolat Duisenov (áo đen, ngồi cạnh ông Tuấn). (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp thông tin: "Đại hội hôm nay có sự tham dự của đại diện các đối tác là liên minh Hoa Lư tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng cùng Hòa Bình, bao gồm: Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons, ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Central, ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng Giám đốc An Phong".

Dự kiến năm 2025, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1 đã không còn khả thi. Bởi tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc rất lớn vào kết quả đấu thầu gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đây được đánh giá là một gói thầu rất quan trọng và quyết định tiến độ của dự án sân bay Long Thành.

Gói thầu 5.10 có tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng - gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được mời thầu rộng rãi quốc tế từ tháng 9/2022. Do đó nhiều khả năng nhóm 4 doanh nghiệp xây dựng trên đã lập liên danh để cùng tham gia nộp hồ sơ dự thầu gói thầu số 5.10 trên.

Liên danh trong đấu thầu là một hình thức hợp tác trên danh nghĩa của nhiều nhà thầu. Từ đó, họ thực hiện công việc vì quyền lợi chung cũng như xác định nghĩa vụ cho các nhà thầu cụ thể.

Liên danh sẽ cùng tham gia đấu thầu hoặc thực hiện một công trình xây dựng hoặc một dự án nào đó khi mà điều kiện năng lực của một nhà thầu độc lập không đủ để đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư hay nói cách khác là đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Khi đó, có sự tham gia của nhà thầu khác đảm bảo điều kiện, đáp ứng yêu cầu tham gia dự án.

Trước đó, ngày 8/11/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) đã mở lần đầu với một liên danh nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) gói 5.10. Sau đó, ACV phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Ngày 19/1/2023, ACV thực hiện mời thầu lần 2 Gói thầu số 5.10 với bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng, giá bán mỗi bộ hồ sơ mời thầu là 120 triệu đồng. Sau đó, ACV phải gia hạn thời gian nộp HSDT để điều chỉnh hồ sơ mời thầu, kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng từ 33 tháng lên 39 tháng nhằm thu hút thêm nhà thầu tham dự.

Ngày 15/6, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV cho hay 3 nhóm nhà thầu tham dự gồm một nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm đến từ Trung Quốc và một nhóm đến từ nhà thầu trong nước.

Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu.

Do đó nhiều khả năng nhóm nhà thầu trong nước duy nhất nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 bao gồm Xây dựng Hoà Bình, Coteccons, An Phong. Hiện phía Xây dựng Hoà Bình chưa công bố chi tiết về liên danh này, vì vậy số lượng doanh nghiệp tham gia liên danh có thể lớn hơn.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng. Dự án có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự án chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.

Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm.

Hoàng Kiều

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.