Tín hiệu khả quan về nợ xấu của Coteccons và Xây dựng Hoà Bình
Quý đầu tiên Coteccons không trích lập dự phòng kể từ 2020
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I niên độ 2024 - 2025 (1/7 - 30/9) của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần tăng 15% so với cùng kỳ lên 4.759 tỷ.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2,4% cùng kỳ lên 4,3% quý này. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 42% chủ yếu do tăng chi phí nhân viên, còn khoản dự phòng phải thu khó đòi đã bắt đầu được hoàn nhập trong quý này.
Đây cũng là quý đầu tiên công ty không trích lập thêm dự phòng nợ xấu kể từ năm 2020.
Kết quả, Coteccons lãi sau thuế 93 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ niên độ trước.
Doanh nghiệp thông tin tính từ đầu năm tài chính 2025 tới thời điểm hiện tại, Coteccons và Unicons đã trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, và cơ sở hạ tầng, với tổng giá trị lên đến 10.300 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tính tới cuối tháng 9, tổng tài sản của Coteccons là 23.724 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản nằm ở khoản phải thu của khách hàng với 12.199 tỷ tại ngày 30/9.
Dù không còn phải trích lập dự phòng trong quý I, song tính tới cuối tháng 9, Coteccons còn phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 1.429 tỷ.
Một số công ty có dư nợ xấu cao với Coteccons như Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Saigon Glory, CTCP Đầu tư Minh Việt,...
Trong đó, khoản nợ xấu 143 tỷ của Saigon Glory mới xuất hiện trong báo cáo quý cuối năm ngoái và phải trích lập dự phòng 100%. Còn khoản nợ xấu với Tân Hoàng Minh đến từ các dự án đã bàn giao từ trước năm 2020.
Nói về vấn đề nợ xấu, ông Trần Ngọc Hải, Phó Tổng Giám đốc Coteccons cho hay năm 2025, Coteccons dự kiến không tăng giá trị trích lập dự phòng và nợ xấu. Ngoài ra, doanh nghiệp dự báo có thể thu hồi 100 tỷ đồng từ việc trích lập nợ xấu trước đó.
Tại ngày 30/9, Coteccons nắm giữ gần 4.100 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng. Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 2.313 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 8.681 tỷ bao gồm 790 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Xây dựng Hoà Bình thoát lỗ quý III
Trái ngược với Coteccons, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) tiếp tục có một quý kinh doanh ảm đạm khi doanh thu thuần giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái còn 975 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của HBC còn 60 tỷ.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp âm 52 tỷ do ghi nhận khoản hoàn nhập chi phí dự phòng phải thu khó đòi.
Bên cạnh đó chi phí lãi vay cũng được tiết giảm một nửa so với cùng kỳ còn 71 tỷ. Kết quả, HBC báo lãi sau thuế gần 13 tỷ, cùng kỳ lỗ 170 tỷ. Lợi nhuận ròng đạt 8 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, HBC đạt 4.787 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn báo lãi ròng 837 tỷ trong ba quý, cùng kỳ lỗ 880 tỷ. Dù có lãi ba quý liên tiếp song doanh nghiệp vẫn còn khoản lỗ luỹ kế 2.424 tỷ đồng cuối tháng 9.
Tại ngày 30/9, quy mô nguồn vốn của HBC là hơn 15.300 tỷ. Công ty có 6.305 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng và 2.528 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng được ghi nhận cùng lúc với doanh thu. Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà HBC đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.
Còn phải thu khách hàng được chuyển từ phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho HBC và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.
Tập đoàn phải trích lập dự phòng nợ khó đòi 1.942 tỷ đồng cuối quý III, giảm so với con số 1.990 tỷ cuối quý II nhưng không được thuyết minh chi tiết.
Dư nợ vay tại ngày cuối tháng 9 là 4.333 tỷ, gấp 2,63 lần vốn chủ sở hữu và chủ yếu là ngắn hạn. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HBC âm 50 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, cùng kỳ dương 1.125 tỷ.