|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Sao đổi ngôi' ở ngành xây dựng và sự hình thành sân chơi mới

15:11 | 26/09/2024
Chia sẻ
COVID-19, đặc biệt sự kiện "Coteccons Group" tan rã cùng cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành xây dựng đã tạo ra biến động lớn trong cục diện ngành. "Sao đã đổi ngôi" và cuộc cạnh tranh khốc liệt đẩy các nhà thầu phải tìm hướng đi mới để giải bài toán tăng trưởng.

 Đồ hoạ: Alex Chu.

Giai đoạn 2014 - 2018 được đánh giá là thời kỳ hoàng kim của ngành xây dựng khi đồ thị doanh thu và lợi nhuận các ông lớn trong ngành tăng dựng đứng, năm sau phá đỉnh năm trước.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đơn vị tư nhân đã làm nên một cuộc cách mạng, nhà thầu Việt Nam đã thay thế nhà thầu ngoại tại các dự án có quy mô lớn, yêu cầu tính mỹ thuật cao.

Khi các nhà thầu ngoại không còn nhiều bóng dáng trên các đô thị Việt, thì cũng là lúc ngành xây dựng loay hoay giải quyết bài toán tăng trưởng.

Đầu tháng 10/2020, ông Nguyễn Bá Dương - người "khai quốc công thần" chính thức rời ghế Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) sau 20 năm gắn bó. Có thể nói sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong ngành xây dựng khi "Coteccons Group" tan rã và khởi nguồn cho một hệ sinh thái mới của ông Nguyễn Bá Dương.

Đại dịch COVID-19 cộng thêm đà tăng của giá vật liệu xây dựng trở thành gọng kìm bóp chặt các nhà thầu. Sau đó, cú bồi từ sự đóng băng của thị trường bất động sản đã giáng một đòn mạnh gây ra khủng hoảng cho ngành khi các đơn vị còn chưa kịp "hồi sức" sau giai đoạn dịch bệnh.

Ngành xây dựng có liên quan mật thiết tới ngành bất động sản, khi các chủ đầu tư rơi vào cảnh mất thanh khoản, số lượng các dự án được cấp phép ngày càng ít ỏi thì công việc cho các nhà thầu cũng vơi bớt và sự canh tranh để sinh tồn ngày càng khốc liệt.

Không những thế các nhà thầu còn phải gánh thêm khoản nợ xấu từ các chủ đầu tư, đẩy các doanh nghiệp vào một cuộc tái cấu trúc để vực dậy, thể hiện rõ nét nhất qua câu chuyện ở Coteccons và Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC).

"Sao đổi ngôi"

20 năm Coteccons dưới thời ông Nguyễn Bá Dương đã liên tục giữ vị thế số 1 trong ngành, được minh chứng bằng uy tín và chất lượng qua nhiều công trình lớn.

"Coteccons Group" tan rã và cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện của ngành xây dựng. Hệ sinh thái mới của ông Nguyễn Bá Dương (gồm Newtecons, Ricons, BM Windows, SOL E&C,...) nổi lên như "một chú ngựa ô", thậm chí thế chân Coteccons ở nhiều đại dự án.

Theo nguồn tin của chúng tôi, năm 2023, riêng hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương đem về hơn 1 tỷ USD doanh thu, dẫn đầu ngành trong khi con số của Coteccons là hơn 16.500 tỷ. Riêng doanh thu và lợi nhuận của Newtecons vượt cả Xây dựng Hoà Bình năm qua. Còn lợi nhuận cả hệ sinh thái của ông Dương cũng ghi nhận quy mô vượt qua Coteccons.

Nguồn: HK tổng hợp (SOL E&C chỉ có dữ liệu kinh doanh của năm 2023).

Thành lập năm 2017, song CTCP Xây dựng Central dưới sự dẫn dắt của ông Trần Quang Tuấn - có 14 năm gắn bó ở Coteccons, cũng từng là "cánh tay phải" của ông Nguyễn Bá Dương đã liên tục bứt phá về số liệu kinh doanh.

Năm 2022 và 2023, lợi nhuận của Central đều vượt 200 tỷ còn doanh thu ở ngưỡng 8.000 - 9.000 tỷ bất chấp những khó khăn của ngành. Biên lợi nhuận gộp trên ngưỡng 5% trong giai đoạn 2021 - 2023, cao hơn các đối thủ cùng ngành.

Nếu xét riêng về từng pháp nhân thì năm 2022, Newtecons là quán quân lợi nhuận trong ngành còn sang 2023 thì ngôi vị này đã nhường ngôi cho Central.

Trái với đà tăng trưởng của đối thủ thì cả Coteccons và Xây dựng Hoà Bình đều rệu rã, thậm chí ghi nhận nhiều quý thua lỗ giai đoạn 2021 - 2022 trong bối cảnh nguồn việc khan hiếm cộng thêm việc tăng trích lập dự phòng nợ khó đòi từ các chủ đầu tư.

Sang 2023, Coteccons đã quay trở lại đường đua sau thời kỳ tái cấu trúc và tiếp tục duy trì phong độ nửa đầu 2024. Còn Xây dựng Hoà Bình đã có lãi trở lại nửa đầu năm nay nhưng chủ yếu đến từ việc thanh lý tài sản.

Nguồn: HK tổng hợp (SOL E&C chỉ có dữ liệu kinh doanh của năm 2023, Delta chỉ có dữ liệu 2022 còn Central có dữ liệu giai đoạn 2021 - 2023).

Đặc thù của các doanh nghiệp xây dựng là phần lớn tài sản đều nằm ở các khoản phải thu từ khách hàng, chủ yếu là ngắn hạn.

Trong giai đoạn các chủ đầu tư kẹt dòng tiền, các nhà thầu phải gánh chịu nhiều khoản nợ xấu và phải tăng trích lập dự phòng cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận trượt dốc như câu chuyện của Hoà Bình và Coteccons.

Ngoài ra, việc lạm dụng đòn bẩy tài chính nhất là khi lãi suất leo thang cũng bóp ghẹt lợi nhuận, đã xảy ra ở Hoà Bình.

Theo các dữ liệu mà chúng tôi có, nhóm doanh nghiệp hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương hay Central chủ yếu vay nợ ngắn hạn, tỷ trọng nợ vay trên tổng nguồn vốn ở ngưỡng dưới 10% và sở hữu lượng tiền mặt dồi dào giúp các nhà thầu có thêm điểm tựa tài chính, vơi bớt gánh nặng chi phí trong giai đoạn khủng hoảng.

Bài toán tăng trưởng

Trong thời kỳ nguồn việc khan hiếm, các nhà thầu dân dụng phải tìm hướng đi mới để sinh tồn, điển hình là câu chuyện bẻ lái sang mảng xây dựng dự án đầu tư công, hạ tầng công nghiệp.

Chưa khi nào ngành xây dựng lại có sự đồng lòng và hợp tác sâu rộng của các nhà thầu. Năm 2023 chứng kiến cuộc chiến cân não của liên minh các nhà thầu để cạnh tranh gói thầu ở siêu dự án sân bay Long Thành. Cuối cùng liên danh do Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu với sự hợp tác của 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương cùng các nhà thầu khác đã thắng gói thầu lớn nhất.

Các đơn vị trong liên danh trúng thầu được đánh giá có cơ hội bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2023 - 2026 nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với doanh thu mảng xây lắp của các doanh nghiệp. Đồng thời đây sẽ là bước đệm để các nhà thầu có cơ hội nhận được các gói thầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn trong tương lai.

Trong 2024, Ricons đã thông qua bổ sung mảng xây dựng công trình thuỷ, xây dựng công trình điện vào hệ thống kinh doanh. Lãnh đạo Ricons đánh giá công ty cần đi trước, đón đầu cơ hội đầu tư những dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia. 

Dù bước đi chậm ở mảng đầu tư công, Coteccons lại dồn lực để thắng thầu ở các dự án công nghiệp vài năm gần đây. Tới nay, nguồn thu từ xây dựng mảng công nghiệp của Coteccons chiếm xấp xỉ 50%, mảng xây dựng dân dụng hơn 40%.

Không chỉ tìm hướng ở mảng công nghiệp và đầu tư công mà các nhà thầu còn lên kế hoạch mở rộng địa bàn xây dựng sang thị trường nước ngoài như Xây dựng Hoà Bình và Coteccons song tỷ trọng doanh thu nước ngoài vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. 

Các vấn đề về pháp lý, môi trường hoạt động và mô hình kinh doanh là những rào cản khiến các nhà thầu trong nước vẫn chưa có những dấu ấn lớn ở nước ngoài.

Để dễ dàng quản lý và tăng nguồn thu thì nhiều nhà phát triển bất động sản còn tự lập các công ty xây dựng trực thuộc hệ sinh thái như Tập đoàn Xây dựng SCG (Mã: SCG) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Sunshine, CTCP Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN) thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh.

Hay CTCP Phát triển và Đầu tư Xây dựng Vincons thuộc ông lớn Vinhomes (Mã: VHM) cũng tham gia thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị thi công xây dựng các dự án của đơn vị này. Riêng quý II, Vinhomes ghi nhận doanh thu dịch vụ xây dựng đột biến gấp gần 6,4 lần so với cùng kỳ lên gần 7.560 tỷ đồng chủ yếu nhờ dịch vụ tổng thầu mà Vinhomes cung cấp cho các nhà đầu tư đã mua lô lớn. 

Các đơn vị này chủ yếu thi công các dự án của tập đoàn mẹ. Dù kinh nghiệm và năng lực thi công có thể chưa theo kịp các doanh nghiệp đầu ngành nhưng trong bối cảnh nguồn việc ít thì điều này càng tăng thêm áp lực cho các đối thủ.

Hiện, ngành bất động sản đang nhen nhóm những tia hồi phục song động lực chưa quá rõ nét thì tương lai cho bài toán tăng trưởng của các nhà thầu vẫn còn nhiều ẩn số và thách thức.

Hoàng Kiều