Chủ tịch Coteccons khẳng định mục tiêu vốn hoá tỷ USD 'không khó', tiết lộ backlog năm 2025 khoảng 22.000 tỷ
Mở đầu buổi trao đổi với nhà đầu tư chiều 18/9, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) tiếp tục nhấn mạnh tham vọng trở thành doanh nghiệp có giá trị tỷ USD, "với vóc dáng của một công ty kỳ lân nhưng vẫn có những kết quả kinh doanh vượt trội để có sự tăng trưởng đều đặn qua các năm nhưng là một công ty linh dương". Đồng thời, Coteccons tiếp tục hướng tới mục tiêu dẫn đầu trong ngành xây dựng.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất. (Riêng Coteccons đã thay đổi niên độ tài chính từ năm ngoái song người viết vẫn quy đổi theo niên độ kết thúc thúc ngày 31/12 để người đọc có căn cứ so sánh).
Kết quả kinh doanh của Coteccons trong hai năm rưỡi qua với tốc độ tăng trưởng CAGR 30% trong khi trung bình thị trường tăng khoảng 8 - 9%.
Về kế hoạch các dự án đầu tư ở nước ngoài, ông Trần Ngọc Hải - Giám đốc điều hành Coteccons thông tin năm 2024 Coteccons cũng có một số chủ đầu tư làm dự án ở nước ngoài và mong muốn Coteccons theo chủ đầu tư làm thầu xây dựng.
Coteccons sẽ không chỉ dừng lại ở các thị trường nước ngoài do chủ đầu tư chỉ định mà tiếp tục mở rộng sang các quốc gia khác.
Hiện Coteccons đang làm một dự án của VinFast ở Ấn Độ. Đồng thời, Coteccons cũng đang tham gia đấu thầu ở nước ngoài và lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng thời gian tới sẽ có kết quả cụ thể.
Một số dự án Coteccons tự đấu thầu, một số khác doanh nghiệp liên doanh với công ty ở địa phương đó để tham gia.
Nói về đóng góp vào doanh thu của công ty, Chủ tịch Coteccons cho biết quy mô các dự án nước ngoài vẫn còn khiêm tốn. Để mở rộng và phát triển ở nước ngoài, Coteccons có thể mất tới 1-2 năm thậm chí lâu hơn.
Thách thức ở thị trường nước ngoài bao gồm các vấn đề về pháp lý, môi trường hoạt động và việc phải thích ứng với mô hình kinh doanh.
Niên độ 2023 - 2024 kết thúc ngày 30/6 ghi nhận 99% doanh thu đều đến từ thị trường nội địa. Nói về kế hoạch niên độ 2024 - 2025 (1/7/2024 - 30/6/2025), người đứng đầu Coteccons chia sẻ doanh nghiệp đang có những bước đi thận trọng với hoạt động ở nước ngoài.
Sắp tới, Coteccons sẽ tiến hành mở văn phòng ở nước ngoài, tìm hiểu và đưa ra các quyết định như liên doanh với các doanh nghiệp tại đó hoặc cân nhắc giao dịch M&A.
Lãnh đạo Coteccons cho hay lượng backlog chuyển qua các năm sau áng chừng khoảng 30.000 tỷ đồng. Riêng Năm 2025, giá trị backlog khoảng 22.000 tỷ đồng.
Tới nay, nguồn thu từ xây dựng mảng công nghiệp chiếm xấp xỉ 50%, mảng xây dựng dân dụng hơn 40%, du lịch nghỉ dưỡng khoảng 5%.
Ông Võ Hoàng Lâm - Tổng Giám đốc chia sẻ, năm 2024 thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục, còn nhiều vướng mắc. Năm 2024, mảng công nghiệp liên quan tới nhóm FDI chiếm hơn 50% giá trị sản lượng. Ở nhóm bất động sản, giá trị xây dựng chủ yếu đến từ việc repeat sales.
Vị Tổng Giám đốc nói thêm, về mảng đầu tư công, hạ tầng, hiện Coteccons đang có một dự án lớn liên quan tới hạ tầng ở một khu dân cư lớn tại Nhơn Trạch, Đồng Nai và một dự án khác ở Long An. Coteccons cũng có làm một dự án đường liên tỉnh nối TP HCM tới Long An cùng với việc xây dựng hạ tầng trong một số dự án công nghiệp lớn.
"Doanh nghiệp đang có bước đi tương đối chậm trong mảng đầu tư công, hạ tầng và kỳ vọng tỷ trọng nguồn thu từ mảng đầu tư công, hạ tầng sẽ tăng lên các năm tới", lãnh đạo thông tin.
Về khoản nợ xấu của Coteccons, ông Hải cho biết: "Coteccons đã trích lập dự phòng khoảng 1.400 tỷ tới nay. Và riêng 2024, con số trích lập khoảng 275 tỷ và hoàn nhập lại được khoảng 70 tỷ. Con số trích lập dự phòng trong năm sau sẽ nhỏ hơn rất nhiều và doanh nghiệp đang cố gắng làm việc với các chủ đầu tư để thu hồi sớm các công nợ".
Chủ tịch Coteccons nhấn mạnh về việc doanh nghiệp rất nghiêm túc và có quy trình chặt chẽ trong câu chuyện nợ xấu và tự tin có thể thu hồi được phần lớn các khoản nợ xấu.
Trước đây, Coteccons không trích lập dự phòng. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tất cả khoản tài chính có tính rủi ro đều được đưa vào trích lập dự phòng.
Tính tới ngày 30/6, tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của Coteccons là 12.023 tỷ trong đó doanh nghiệp đã trích lập dự phòng 1.423 tỷ.
Một số công ty có dư nợ xấu cao với Coteccons như Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Saigon Glory, CTCP Đầu tư Minh Việt,...Trong đó, khoản nợ xấu 143 tỷ của Saigon Glory mới xuất hiện trong báo cáo quý cuối năm ngoái và phải trích lập dự phòng 100%. Còn khoản nợ xấu với Tân Hoàng Minh đến từ các dự án đã bàn giao từ trước năm 2020.
"Mục tiêu vốn hoá tỷ USD không phải khó"
Về đề xuất thưởng cổ phiếu cho cổ đông, ông Bolat đánh giá đây là một đề xuất hay và doanh nghiệp sẽ cân nhắc song cần được ĐHĐCĐ thông qua.
Nói về cổ phiếu, người đứng đầu Coteccons nhìn nhận chúng ta đang có hai nhóm nhà đầu tư. Một là nhà đầu tư thích mua vào cổ phiếu có giá trị thị trường thấp hơn giá trị thực tế và danh mục đa dạng.
Song Coteccons cũng có rất nhiều cổ đông trung thành, tin vào định hướng của công ty, ADN của Coteccons và gắn bó với doanh nghiệp lâu dài.
Liên quan tới diễn biến thiếu ổn định của giá cổ phiếu CTD vài năm qua, ông Bolat thừa nhận trọng tâm của ban điều hành không phải là góp phần củng cố hay kiểm soát giá cổ phiếu mà dành thời gian để phát triển năng lực nội tại để tái cấu trúc và ổn định lại hoạt động kinh doanh.
Nhiều tháng qua, cổ phiếu CTD cũng nằm trong nhóm bị tác động tiêu cực lan sang từ nhóm bất động sản dẫn tới phần nào cũng ảnh hưởng tới diễn biến giá.
Chốt phiên 18/9, cổ phiếu CTD dừng ở mốc 60.600 đồng/cp, giảm khoảng 20% trong vòng ba tháng qua. Vốn hoá thị trường của Coteccons khoảng 6.056 tỷ đồng.
Chủ tịch Coteccons cũng gửi thông điệp tới cổ đông rằng: "Không chỉ có niềm tin với Chủ tịch mà cần có niềm tin vào đội ngũ nhân sự và toàn công ty".
Nói về mục tiêu vốn hoá tỷ USD, ông cho rằng đây không phải là mục tiêu quá khó khăn với Coteccons, đây là một cột mốc phản ánh kết quả, nỗ lực của cả hành trình phát triển.
Ông cũng cho rằng: "Hiện tình hình tài chính của Coteccons khá lành mạnh, doanh nghiệp cũng đạt được hết những chỉ tiêu để trở thành công ty tỷ USD".
Ông đưa ra những ưu tiên trọng tâm trong hoạt động kinh doanh để trở thành đơn vị đầu ngành trong 3-5 năm tới như: Duy trì tăng trưởng hiện có trong lĩnh vực dân dụng đồng thời phát triển mạnh hơn ở phân khúc công nghiệp và có thêm nguồn thu từ lĩnh vực hạ tầng; gia tăng sự thâm nhập vào thị trường nước ngoài; cải thiện biên lợi nhuận; tái cơ cấu tổ chức và năng lực vận hành; quan tâm hơn trong quan hệ nhà đầu tư để nâng cao giá trị cổ phiếu,....
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/