Coteccons lãi gấp 4 lần cùng kỳ, tăng tuyển nhân sự
Công ty cổ phần Coteccons (Mã: CTD) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV niên độ 2024 (1/4-30/6). Doanh thu tăng trưởng 82% đạt gần 6.600 tỷ đồng và lãi gộp tăng vọt 12% lên mức 222 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp cải thiện lên 3,4%.
Hoạt động tài chính thu hẹp khi doanh thu giảm 26% và chi phí cũng giảm hơn 14% so với cùng kỳ. Chi phí lớn nhất là quản lý doanh nghiệp lại tăng vọt 61% lên 194 tỷ đồng; chủ yếu là do tăng chi phí nhân viên, dự phòng và chi phí khác.
Kết quả, Coteccons ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý cuối năm ở mức 59 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả niên độ mới áp dụng (1/7/2023-30/6/2024), Coteccons chứng kiến doanh thu tăng trưởng 31% đạt trên 21.000 tỷ đồng. Việc cải thiện biên lãi gộp và giảm chi phí tài chính là nguyên nhân chính giúp lãi sau thuế tăng vọt lên 299 tỷ đồng, cao hơn 343% so với niên độ trước.
Theo kế hoạch niên độ 2024, công ty xây dựng đặt mục tiêu doanh thu doanh thu 20.000-20.500 tỷ đồng cùng với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 288-296 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đều vượt được mục tiêu đã đề ra.
Mức tăng trưởng cao này là khác biệt trong bối cảnh ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị có hoạt động xây dựng liên quan đến ngành bất động sản bị đóng băng trong thời gian dài, chủ yếu nhờ đẩy mạnh xây dựng công nghiệp.
Chứng khoán FPT (FPTS) từng đánh giá tăng trưởng doanh thu của Coteccons nhờ sở hữu nguồn công việc lớn từ các dự án xây dựng công nghiệp, bất chấp mảng xây dựng dân dụng vẫn gặp khó vì thị trường bất động sản dân dụng ảm đạm.
Chỉ tiêng 9 tháng đầu niên độ 2024, giá trị hợp đồng ký mới của công ty vào khoảng 19.000 tỷ đồng, đưa tổng giá trị backlog lên đến 24.000 tỷ đồng, con số này gấp 1,45 lần doanh thu trong năm ngoái.
Tỷ lệ backlog mảng công nghiệp đã gia tăng mạnh mẽ từ mức trung bình 10% giai đoạn 2020-2022 lên đến 35% trong năm 2023. Chuyên gia FPTS dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên để đóng góp đến 45% tổng giá trị backlog.
Thực tế, công ty đã thắng được nhiều hợp đồng xây dựng cho đối tác công nghiệp nước ngoài như tổng thầu xây dựng nhà máy Lego Bình Dương (tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD), Suntory Pepsico tại Long An (300 triệu USD), Pandora (150 triệu USD)...
Tính đến hết niên độ này, Coteccons có quy mô tổng tài sản tăng nhẹ lên mức 22.800 tỷ đồng; chiếm gần phân nửa là khoản phải thu ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, nợ xấu khách hàng khoảng 2.242 tỷ và đã được trích lập dự phòng 1.355 tỷ đồng.
Công ty vẫn duy trì lượng tiền thanh khoản cao lên đến 4.078 tỷ đồng; bao gồm tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn; tăng thêm 740 tỷ trong quý vừa qua và hiện chiếm gần 18% tài sản doanh nghiệp.
Ở phía nguồn vốn, doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ gấp đôi trong niên độ vừa qua lên trên 1.500 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Công ty có vốn chủ sở hữu gần 8.600 tỷ đồng, đã gồm lợi nhuận chưa phân phối 688 tỷ đồng.
Số lượng nhân sự của công ty đã được mở rộng lên gần 2.400 người, tăng so với mức 1.985 lao động ở thời điểm đầu năm tài chính hay 2.182 người ở quý trước. Chi phí nhân viên trong niên độ vừa qua là 171 tỷ đồng, tăng hơn 25% một năm.
Tập đoàn hiện có 11 công ty con, tăng 4 đơn vị trong một năm vừa qua.