|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khoản đầu tư vào Vietnam Airlines khiến lợi nhuận năm 2022 của SCIC thấp kỉ lục

16:16 | 03/07/2023
Chia sẻ
Trong khi doanh thu của SCIC cao nhất trong 4 năm trở lại đây nhưng do phải trích lập dự phòng và ghi nhận lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết khiến SCIC chỉ còn lãi hơn 3.000 tỷ đồng năm 2022, thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022.

Lợi nhuận của SCIC giảm hơn 5.200 tỷ do trích lập dự phòng và lỗ từ công ty liên kết

Năm 2022, SCIC ghi nhận doanh thu từ hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn đạt 10.221 tỷ đồng, tăng 32% so với năm liền trước.

Trong đó, doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia chiếm lớn nhất với 7.625 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 3/4 tổng nguồn thu năm 2022 của SCIC. Doanh thu SCIC còn lại đến từ hoạt động bán các khoản đầu tư (1.440 tỷ), doanh thu từ lãi tiền gửi và lãi trái phiếu (1.145 tỷ) và  doanh thu cho thuế bất động sản và khác gần 10 tỷ đồng.

 Nguồn: Thuyết minh BCTC năm 2022 của SCIC.

Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư gần 3.420 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hoàn nhập dự phòng 3.351 tỷ. Đồng thời công ty lỗ hơn 3.108 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết (cùng kỳ lãi 211 tỷ đồng) nên SCIC lãi sau thuế 3.074 tỷ, giảm hơn 63% so với con số 8.330 tỷ của năm 2021 và thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính (2013).

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của công ty. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của công ty. 

Báo cáo tài chính cho thấy SCIC có 1 công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC và 5 công ty liên kết gồm CTCP Đầu tư SCIC - Bảo Việt (tỷ lệ nắm giữ 50% vốn điều lệ), CTCP Tháp Truyền hình Việt Nam (nắm 33%), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) (sở hữu 31,14%), CTCP Cảng quốc tế Lào - Việt (giữ 27%), CTCP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (chiếm 30%).

Vietnam Airlines lỗ sau thuế 10.369 tỷ đồng trong năm 2022, là năm thứ ba liên tiếp thua lỗ. (Ảnh minh họa: MH).

Trong nhóm các công ty liên kết, Vietnam Airlines đang được giao dịch trên sàn chứng khoán. Hiện tại hãng hàng không này chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. Theo báo cáo tự lập, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 10.369 tỷ đồng trong năm 2022, vốn chủ sở hữu tại ngày cuối năm âm 10.200 tỷ, lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ thực góp. 

Hơn một nửa tài sản là đem gửi ngân hàng và đầu tư cổ phiếu

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của SCIC hơn 59.476 tỷ đồng, giảm hơn 4.000 tỷ đồng sau một năm, chủ yếu do khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết giảm sút.

Tại 31/12/2022, SCIC có hơn 26.230 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng. Bên cạnh đó là khoảng 4.000 tỷ đầu tư ngắn hạn vào các cổ phiếu (cả niêm yết và chưa niêm yết). Trong đó công ty đã trích lập gần 135 tỷ đồng vào hai khoản đầu tư nói trên.

Với đầu tư dài hạn, SCIC góp 11.248 tỷ đồng vào các công ty đã niêm yết và 18.721 tỷ đồng vào các đơn vị chưa niêm yết tại cuối năm 2022.

 Năm 2022, SCIC tăng mạnh vốn góp tại các công ty chưa niêm yết, trong khi khoản vốn góp tại công ty niêm yết giảm hơn 2.900 tỷ. (Nguồn: Thuyết minh BCTC của SCIC).

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của SCIC.

Tại cuối tháng 12/2022, vốn chủ sở hữu của SCIC hơn 56.337 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 48.786 và 10.556 tỷ đồng quỹ đầu tư chưa phân phối. Tổng công ty vẫn lỗ lũy kế 3.000 tỷ đồng tính hết năm 2022.

Minh Hằng

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.