|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn VNPT có hơn 2,3 tỷ USD tiền nhàn rỗi, lãi hơn 900 tỷ đầu tư cổ phiếu MSB

11:44 | 03/07/2023
Chia sẻ
Cuối năm 2022, VNPT có hơn 54.300 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, vượt xa các tập đoàn giàu nhất trên sàn chứng khoán tại thời điểm đó như Hòa Phát, PV GAS, Vingroup,... Khoản tiền này đã đóng góp gần 2.800 tỷ doanh thu từ hoạt động tài chính cho VNPT năm 2022.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 do Công ty TNHH Ernst&Young kiểm toán.

Lãi hơn 5.400 tỷ đồng năm 2022

Năm ngoái, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 51.888 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn nguồn thu của VNPT đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ (chiếm tới 73,5%) và doanh thu dịch vụ viễn thông trả trước (chiếm 24%). 

Trong kỳ, VNPT lãi gộp 14.553 tỷ đồng. Biên lãi gộp nhích nhẹ từ 28% cùng kỳ lên 28,4% năm 2022.

Năm 2022, tập đoàn ghi nhận hơn 2.792 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 600 tỷ đồng so với năm trước đó, hầu như đến từ lãi tiền gửi. Tính đến cuối tháng 12/2022, VNPT có 54.318 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm 53% tổng tài sản.

Hai chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của VNPT lần lượt là 5.697 tỷ và 5.716 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty ghi nhận lãi từ thanh lý nhượng bán tài sản cố định, công cụ, dụng cụ (chủ yếu là thanh lý cáp đồng) số tiền 1.286 tỷ đồng.

Kết quả cả năm, VNPT lãi sau thuế 5.412 tỷ đồng, lãi ròng 5.360 tỷ, lần lượt tăng 7% và tăng 8% so với 2021. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Lãi hơn 900 tỷ từ đầu tư cổ phiếu MSB

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VNPT đạt hơn 102.108 tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD), tăng khoảng 2.000 tỷ sau một năm.

Trong đó, khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm 53% cơ cấu tài sản với hơn  54.318 tỷ đồng. Số tiền này bỏ xa doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền nhất sàn chứng khoán tại thời điểm 31/12/2022 là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) với 34.600 tỷ đồng. Những vị trí xếp sau đó là Tổng công ty khí Việt Nam (Mã: GAS), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Mã: ACV), Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR). 

Bên cạnh đó, VNPT còn đầu tư 826 tỷ đồng vào các cổ phiếu. Trong đó cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng Hải có giá trị gốc gần 580 tỷ đồng nhưng được xác định giá trị hợp lý lên tới 1.512 tỷ đồng, tức lãi 932 tỷ.

 Nguồn: Thuyết minh BCTC kiểm toán 2022 của VNPT.

Cuối năm 2022, nợ phải trả của tập đoàn hơn 30.533 tỷ đồng, bằng 0,42 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là 7.131 tỷ đồng của quỹ khen thưởng, phúc lợi, còn lại là các nợ phải trả nguời bán ngắn hạn, phải trả người lao động. Doanh nghiệp này ghi nhân doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn hơn 5.096 tỷ đồng.

Tại 31/12/2022, VNPT vay nợ 1.929 tỷ đồng, hầu hết là vay ngắn hạn từ các ngân hàng với lãi suất dao động 4,5% - 8,3%/năm. Cả năm, doanh nghiệp chỉ tốn 103 tỷ đồng cho chi phí lãi vay.

Tính đến hết năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 476 tỷ và lợi ích cổ đông không kiểm soát là 1.216 tỷ.

Minh Hằng