|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Quy mô tài sản của FPT vượt mốc 60.000 tỷ, lượng tiền mặt tăng vọt lên gần 27.000 tỷ cuối quý II

07:00 | 20/07/2023
Chia sẻ
Sau nhiều quý suy giảm, lượng tiền mặt của FPT đã tăng trở lại, đạt 26.688 tỷ đồng tại ngày 30/6, xấp xỉ mức cao kỷ lục đạt được cuối quý II/2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP FPT (Mã: FPT), quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp cán mốc cao kỷ lục, đạt 60.557 tỷ đồng, tăng 19% sau một quý chủ yếu do tăng mạnh khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

  Nguồn: Tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính của FPT.

Sau nhiều quý ghi nhận lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng liên tục sụt giảm, chỉ tiêu này của FPT đã tăng trở lại, đạt 26.688 tỷ đồng tại ngày 30/6, tăng gần 56% so với cuối quý I và chiếm 44% tổng tài sản. Lượng tiền này gần bằng mức cao kỷ lục ghi nhận cuối quý II/2022 với 26.741 tỷ đồng. 

Với lượng tiền gửi dồi dào đã đem về cho FPT 753 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa đầu năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính của FPT.

Dù nắm giữ lượng tiền gửi dồi dào top đầu trên sàn chứng khoán nhưng FPT vẫn vẫn vay nợ nhằm tối ưu lợi nhuận khi đem gửi ngân hàng lãi cao và đi vay với lãi suất thấp. Tại ngày 30/6, tổng nợ vay của tập đoàn là 19.545 tỷ đồng, tăng 58% sau một quý, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Trong đó, FPT vay 6.576 tỷ đồng bằng USD, 3.816 tỷ đồng bằng yen Nhật và 9.152 tỷ đồng bằng VND.

Rủi ro tỷ giá là một áp lực với FPT, tuy nhiên tập đoàn cũng có nguồn thu hơn 25 tỷ yen (khoảng 4.200 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) trong 6 tháng đầu năm để chi trả cho các khoản vay. Trong nửa đầu năm nay, tập đoàn vẫn ghi nhận khoản lãi ròng từ chênh lệch tỷ giá 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng 12 tỷ.

 Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

Trong 6 tháng, tập đoàn đi vay tổng cộng 18.314 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 11.135 tỷ.

Tổng chi phí lãi vay nửa đầu năm của FPT là 360 tỷ, chỉ bằng gần một nửa khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp, tức tập đoàn lãi ròng từ nghiệp vụ tài chính này khoảng 393 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 28.595 tỷ đồng, bao gồm 10.666 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Ảnh minh hoạ: FPT.

Biên lợi nhuận 2023 sẽ tăng nhờ mảng chuyển đổi số

Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng tăng lần lượt 22%, 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 3.003 tỷ đồng, tăng 21%.

Tính riêng quý II, FPT ghi nhận 12.485 tỷ đồng doanh thu, 1.509 tỷ đồng lãi ròng; tăng lần lượt 24% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý có lãi ròng cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn.

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính của FPT.

Trong báo cáo phân tích vừa công bố của Chứng khoán VNDirect nhận định doanh thu mảng công nghệ của FPT sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2023 - 2024. Đơn vị này dự phóng doanh thu mảng công nghệ của FPT đạt 29.699 tỷ đồng năm nay (tăng 16,4% so với năm ngoái) và đạt 37.037 tỷ đồng năm tới. Trong đó dịch vụ CNTT toàn cầu dự kiến tăng 23,5% năm 2023 và 28,2% năm 2024 nhờ đóng góp cao hơn từ thị trường APAC và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, VNDirect dự báo doanh thu mảng công nghệ đạt CAGR 14,1% trong giai đoạn 2023 - 2025 nhờ sự tăng trưởng của Data Center. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng mảng kinh doanh Data Center sẽ phát triển nhờ nhu cầu điện toán đám mây ngày càng tăng. FPT tiếp tục mở rộng Data Center với kế hoạch mở thêm 2 Data Center tại TP HCM và 1 Data Center tại Hà Nội.

Biên lợi nhuận gộp của FPT được đánh giá sẽ tiếp tục cải thiện nhờ tỷ trọng Dx (chuyển đổi số) cao hơn trong doanh thu mảng công nghệ. Trong năm 2023, doanh thu Dx dự kiến sẽ tăng lên 9.824 tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp 33% doanh thu công nghệ và 18,9% tổng doanh thu của FPT. Do đó, VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ tăng 0,3 điểm % so với năm ngoái lên 39,8% trong năm 2023

Trong năm 2023 và 2024, đơn vị phân tích này dự phóng các mảng kinh doanh của FPT sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định để mang lại mức tăng trưởng doanh thu lần lượt 17,2%/20,1% và lợi nhuận ròng 19,3%/20,5% so với cùng kỳ.

Hoàng Kiều