|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lọc hóa dầu Bình Sơn lãi ròng hơn 1.300 tỷ quý II

11:31 | 31/07/2023
Chia sẻ
Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) ghi nhận 1.339 tỷ đồng lãi ròng trong quý II, giảm 87% so với cùng kỳ trong bối cảnh giá dầu thô đi xuống, sau khi đạt mức cao vào tháng 6/2022.

CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II với 33.669 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 36% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm 22% xuống 32.491 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm mạnh, từ 21% xuống 3%.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 128% lên 715 tỷ đồng do lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá tăng, còn chi phí tài chính giảm 64% xuống 93 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 65% lên 158 tỷ đồng, còn chi phí bán hàng không thay đổi so với cùng kỳ.

Trừ hết đi chi phí, lãi ròng của BSR đạt 1.339 tỷ đồng, giảm 87% so với quý II/2022. Giải trình về kết quả kinh doanh, công ty cho biết, 2022 là năm có giá dầu thô biến động nhiều và tăng cao nhất, đạt 123 USD/thùng vào tháng 6/2022.

Trong khi đó, quý II năm nay, giá dầu thô từ mức 85 USD/thùng đầu tháng 4 giảm xuống còn 74 USD/thùng vào cuối tháng 6. Đồng thời, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô quý II/2022 tốt hơn so với quý II năm nay.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, BSR ghi nhận 67.735 tỷ đồng doanh thu thuần, 2.970 tỷ đồng lãi ròng giảm lần lượt 22%, 76% so với cùng kỳ.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 95.645 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.628 tỷ đồng. Với 2.949 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, BSR vượt 81% kế hoạch lợi nhuận, hoàn thành 71% chỉ tiêu doanh năm đề ra.

Kế hoạch này được lãnh đạo công ty đưa ra dựa trên dự báo năm nay, công ty sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, thuế nhập khẩu  xăng giảm từ 8% xuống còn 5% mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10% dẫn đến lợi nhuận sẽ giảm.

Bên cạnh đó, lạm phát  tăng sẽ kéo theo chi phí hoạt động đi lên và khi mua dầu thô trong nước, công ty phải tham gia chào mua cạnh tranh với các người mua khác nên có rủi ro không mua được lô dầu để thu xếp đủ nguồn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Quy định về công thức giá (gồm giá cơ sở và phụ phí (Premium)) cũng có thể gây tác động bất lợi đến hiệu quả kinh doanh trong năm 2023.

Ngoài ra, công ty còn chịu sự cạnh tranh với xăng dầu  nhập khẩu từ các nước mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do và xăng dầu được sản xuất từ NMLD Nghi Sơn. Đặc biệt, sản phẩm PP (Polypropylene) dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, Nghi Sơn, Long Sơn,... và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Có hơn 29.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi

Cuối quý II, tổng tài sản của BSR đạt 75.043 tỷ đồng giảm nhẹ so với đầu năm. Hàng tồn kho giảm 16% xuống 14.106 tỷ đồng. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 29.230 tỷ đồng, chiếm 39% tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty nhận về gần 763 tỷ đồng tiền lãi.

Công ty có 13.218 tỷ đồng các khoản phải thu, hầu hết là phải thu ngắn hạn. Trong đó, khoản phải thu của khách hàng 11.882 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, nợ phải trả của BSR gần 23.420, trong đó, dư nợ vay của công ty là 3.417 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn. Trong nửa đầu năm nay, công ty đã trả hơn 44.388 tỷ đồng nợ gốc vay và đi vay 39.825 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu đạt 51.623 tỷ đồng cuối kỳ, gồm 10.048 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 10.658 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty là 0,45 lần. 

Chốt phiên sáng 31/7, cổ phiếu BSR dừng tại 19.200 đồng/cp, tăng 20% so với đầu tháng 5.

 Diễn biến giá cổ phiếu BSR từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Trading View).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lâm Anh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.