|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vĩnh Hoàn tăng trữ hàng tồn kho chuẩn bị cho mùa lễ đến gần, lỗ 51 tỷ đồng đầu tư các cổ phiếu bất động sản

09:33 | 31/07/2023
Chia sẻ
Vĩnh Hoàn bắt đầu mua bán các cổ phiếu của Nam Long, Đất Xanh Services và Kinh Bắc từ quý I/2021. So với giá trị đầu tư gốc là 175 tỷ đồng, công ty cá tra này đã tạm lỗ gần 51 tỷ đồng tính tại cuối tháng 6, chủ yếu do hai mã NLG và DXS.

Lợi nhuận nửa đầu năm giảm hơn một nửa vì sức mua suy yếu

Báo cáo tài chính quý II/2023 của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cho thấy doanh thu thuần giảm 36% so với cùng kỳ về 2.724 tỷ đồng. Lãi sau thuế gần 430 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Biên lãi gộp của Vĩnh Hoàn thu hẹp so với cùng kỳ nhưng đã cải thiện so với ba quý liền trước. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

Nửa đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 4.945 tỷ doanh thu thuần và gần 656 tỷ lãi sau thuế, lần lượt giảm 34% và 51% so với 6 tháng đầu năm 2022. So với kế hoạch cả năm, Vĩnh Hoàn thực hiện được lần lượt 43% chỉ tiêu doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng.

Kết quả trên là hệ quả của việc doanh thu xuất khẩu của các công ty thủy sản nói chung và Vĩnh Hoàn nói riêng bị giảm sút vì sức mua suy yếu do lạm phát.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra cả nước ước đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, xuất khẩu cá tra, tôm,... bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên,…

Để giải quyết vấn đề này, Vĩnh Hoàn dự kiến dừng tăng giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh. Song, công ty vẫn kỳ vọng nhu cầu cá tra sẽ phục hồi từ quý IV/2023 khi trữ lượng hàng tồn kho các nước giảm dần, đồng thời nhu cầu nhập khẩu cá sẽ được cải thiện khi các dịp lễ bên phương Tây đến gần.

Tính đến cuối quý II, hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn đã tăng thêm 1.100 tỷ so với đầu năm lên hơn 4.300 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng tài sản, đồng thời dự phòng giảm giá hàng tồn kho 374 tỷ đồng. Còn so với này 30/3, hàng tồn kho tăng thêm 600 tỷ.

Năm nay, Vĩnh Hoàn sẽ mở rộng các phân khúc khác để bù đắp cho mảng cá tra đang bước vào chu kỳ giảm thông qua việc cho ra mắt sản phẩm thương mại của Nhà máy Nông sản thực phẩm Thành Ngọc. Ngoài ra, công ty cũng đang lên kế hoạch mở rộng dây truyền sản xuất nhà máy Collagen & Gelatin với biên lợi nhuận gấp đôi so với mảng cá tra.

Với mảng gạo, sau khi dự án xí nghiệp Sa Giang 3 hoàn thành, Sa Giang sẽ tăng sản lượng tiêu thụ ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Ngoài ra, trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành nhà máy Surimi, sản xuất các loại thanh cua ăn liền, với công suất 5.000 tấn/ năm. Dòng sản phẩm này dự kiến sẽ đóng góp cho doanh thu sản phẩm giá trị gia tăng của công ty khoảng 95 tỷ đồng trong năm 2023.

Đầu tư cổ phiếu bất động sản lỗ gần 51 tỷ đồng

Tính tới cuối tháng 6/2023, Vĩnh Hoàn tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh và KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này là 124 tỷ đồng, đồng nghĩa công ty tạm lỗ gần 51 tỷ đồng, chủ yếu do NLG và DXS. Trong nửa đầu năm, công ty không ghi nhận lãi từ chứng khoán và đã hoàn nhập gần 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán.

 Nguồn: BCTC quý II/2023 của công ty. 

Vĩnh Hoàn bắt đầu ghi nhận rót tiền vào cổ phiếu từ quý I/2021 với với giá trị đầu tư gốc ghi nhận 8,6 tỷ đồng, cũng với ba mã cổ phiếu bất động sản nói trên.

Trên thị trường, giá cổ phiếu của KBC, DXS và NLG đã bứt tốc trong năm 2021, sau đó tuột dốc vào 2022 và hồi phục trở lại trong nửa đầu 2023 nhưng vẫn chưa bằng mức đỉnh thiết lập trước đó.

 Diễn biến giá cổ phiếu NLG, KBC và DXS trong hơn hai năm qua. (Nguồn: TradingView).

Ngoài đầu tư vào chứng khoán, tính tại ngày 30/6/2023, Vĩnh Hoàn còn có 1.839 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng và 50 tỷ đồng các trái phiếu có kỳ hạn 7 năm. Nửa đầu năm, công ty cá tra này lãi 60 tỷ đồng từ tiền gửi, gần gấp đôi cùng kỳ.

Trong khi đó, công ty đi vay ngắn hạn 2.810 tỷ đồng, chủ yếu là từ các ngân hàng. Chi phí lãi vay phải trả trong 6 tháng đầu năm gần 80 tỷ đồng.

Minh Hằng

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I tiếp tục ghi nhận sự xáo trộn lớn khi có đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.