|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi phí logistics mảng nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Singapore khoảng 300%

21:59 | 02/11/2023
Chia sẻ
TS. Nguyễn Anh Phong, Phó viện trưởng Ipsard (Bộ NN&PTNT) cho biết chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore 300%. Đây là một trong những hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu nông sản.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết trong khoảng 5 năm gần đây, sản xuất nông lâm thủy sản tăng trưởng khá ổn định, bình quân khoảng 3%/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 có thể về đích với kim ngạch 54 tỷ USD, tăng nhẹ 2% so với năm 2022. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

Tại Hội thảo khoa học về định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản, TS. Nguyễn Anh Phong, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết logistics đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh nông sản, tuy nhiên dịch vụ này tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đó, tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản trung bình khoảng 25 - 30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo.

"Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore 300%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP, trong khi đó, mức trung bình trên thế giới chỉ khoảng 11% GDP", TS. Nguyễn Anh Phong nói.

Bà Tạ Thu Trang, Trưởng phòng Tư vấn Thương mại và đầu tư (Ipspard) cho rằng dịch vụ logistics của Việt Nam còn hạn chế do hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng và mất cân đối về lượng vận chuyển.

Ngoài ra, hệ thống logistics thương mại biên giới chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu thực tiễn, chưa có kho ngoại quan.

“Doanh nghiệp cung ứng logistics nông nghiệp còn nhỏ lẻ và phân bố không đồng đều theo vùng.

Chuỗi cung ứng lạnh hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Cùng với đó, dịch vụ đem lại giá trị gia tăng như xử lý kiểm định thực vật còn thiếu và yếu”, bà Tạ Thu Trang nói.

Để đáp ứng với xu hướng kinh tế nông nghiệp, Ipsard đang xây dựng dự thảo Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030.

TS. Nguyễn Anh Phong cho biết dự thảo đề án đặt ra mục tiêu giảm trung bình 0,5 - 1%/năm tổn thất sau thu hoạch và 30% chi phí logistics nông sản khi phân phối qua hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản.

Dự thảo hướng tới đảm bảo 100% nông sản qua hệ thống trung tâm logistics được truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đề án dự kiến hình thành hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các vùng sản xuất, kinh doanh trọng điểm và một số chuỗi cung ứng nông sản chủ lực ra thị trường quốc tế.

Hoàng Anh