|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

HSBC: Xuất khẩu hàng dệt may, cà phê dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Biển Đỏ

20:00 | 15/03/2024
Chia sẻ
Các hiệp hội thương mại cảnh báo khó khăn gia tăng trong nhận đơn hàng dệt may từ quý II nếu căng thẳng Biển Đỏ kéo dài. Trong khi đó, gần 50% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam có điểm đến là châu Âu.

Trong báo cáo mới phát hành, HSBC cho rằng nhìn sơ bộ những gián đoạn ở Biển Đỏ có vẻ là rủi ro đối với các nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên nếu phân tích chi tiết hơn, đây chưa hẳn là trường hợp cảnh báo đỏ ngay lập tức đối với thương mại của ASEAN.

Lý do là xuất nhập khẩu của khu vực này sang châu Âu và Trung Đông tương đối hạn chế. Các điểm đến chính cho xuất khẩu của khu vực là nội khối ASEAN, Trung Quốc đại lục và Mỹ.

Tuy nhiên, theo HSBC, một số sản phẩm nhất định có thể dễ bị ảnh hưởng hơn các sản phẩm khác, như dệt may và da giày từ Việt Nam.

 

 

 

Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo nhóm phân tích, những lô hàng xuất sang châu Âu này chưa bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ, minh chứng là tháng 1 ghi nhận mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các hiệp hội thương mại cũng cảnh báo tình hình khó khăn gia tăng trong việc nhận đơn hàng từ quý II nếu căng thẳng còn kéo dài.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã tìm kiếm giải pháp vận tải thay thế trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty vận tải tìm tới giữ chỗ bằng vận chuyển đường hàng không. Điều đó khiến lượng hàng vận chuyển qua đường hàng không trên tuyến Việt Nam - châu Âu trong tháng 1 tăng lên, thậm chí vượt mức 6% là ngưỡng đỉnh của năm 2023. 

Về nông nghiệp, HSBC cho rằng cà phê dễ bị ảnh hưởng hơn các mặt hàng khác do gần 50% xuất khẩu cà phê của Việt Nam có điểm đến là châu Âu. Nhưng theo HSBC, may mắn là nhu cầu của Trung Quốc gần đây gia tăng đối với nhiều loại nông sản của Việt Nam có thể dư sức bù đắp cho bất kỳ gián đoạn thương mại tiềm ẩn nào. 

Trong khi đó, mặt hàng gạo sẽ không chịu tác động lớn. "Khoảng 60-70% xuất khẩu nông sản của Việt Nam và Thái Lan là để phục vụ khách hàng châu Á. Đặc biệt là trường hợp của hàng hóa thiết yếu như gạo, trong đó 50-80% nhập khẩu gạo của các quốc gia trong khu vực đếu đến từ Việt Nam và Thái Lan", HSBC cho hay. 

 

 

 

 

 

Hiện Việt Nam đang nằm trong nhóm 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong đó,Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD. Năm 2024, ngành đặt mục tiêu kim ngạch đạt 44 tỷ USD, tăng khoảng 9% so với 2023. 

Với mặt hàng cà phê, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới và là nước có sản lượng cà phê robusta lớn nhất thế giới. Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,61 triệu tấn, giảm 9,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu tăng mạnh, nên kim ngạch vẫn tăng 3,1%, lên mức cao kỷ lục mới là 4,18 tỷ USD.    

Anh Đào