|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, nhiều nước tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam

15:04 | 13/03/2024
Chia sẻ
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng trưởng ở mức hai đến ba con số so với cùng kỳ. Các nhà rang xay đang đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam do lo ngại thiếu hụt nguồn cung robusta.

Xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường tăng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt 398.819 tấn với kim ngạch thu về 1,25 tỷ USD, tăng 16,2% về lượng và tăng tới 67,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất ghi nhận được của ngành cà phê trong 2 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Lũy kế trong 5 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 2/2024), Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 769.485 tấn cà phê với kim ngạch gần 2,4 tỷ USD, tăng 2,1% về lượng nhưng tăng tới gần 40% về kim ngạch so với cùng kỳ niên vụ trước.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 2 đạt 3.291 USD/tấn, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 51,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 2 tháng đầu năm, giá xuất khẩu cà phê tăng 44,3% lên 3.146 USD/tấn. 

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đạt cao nhất với 161.386 tấn, trị giá 500,5 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và 66,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Một số thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam trong khối EU gồm Đức đạt 50.665 tấn (+5,7%); Italy với 44.258 tấn (+24,2%); Tây Ban Nha đạt 28.101 tấn (+75,6%)...

Lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng tăng như: Mỹ tăng 6,7%, Nhật Bản tăng 53,9%, Nga tăng 14,9%; đặc biệt, Indonesia tăng tới 215,6%; Philippines tăng 152,5%; Trung Quốc tăng 246,1%; Thái Lan tăng 6,8 lần…

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan  

Các nhà rang xay đang đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nhu cầu cà phê thế giới đang có sự chuyển dịch từ arabica sang robusta trong thời gian gần đây.

Điều này được thể hiện qua tỷ trọng của robusta trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng đều đặn trong ba năm qua, từ 33,8% trong 4 tháng đầu niên vụ 2020-2021 lên 39,1% trong cùng kỳ niên vụ 2022-2023 và 39,3% của vụ 2023-2024.

ICO cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024) đã có 16,1 triệu bao cà phê robusta được xuất khẩu trên thế giới, tăng 14,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Tuy nhiên, nguồn cung đối với loại cà phê giàu vị đắng này dự kiến sẽ thắt chặt trong thời gian tới. Bởi theo dự báo của ICO sản lượng cà phê robusta toàn cầu trong niên vụ hiện tại sẽ giảm 2,1% xuống 75,8 triệu bao.

Tồn kho cà phê robusta được chứng nhận trên sàn giao dịch London đã giảm xuống còn 0,4 triệu bao (loại 60 kg) vào cuối tháng 2, mức thấp nhất trong 10 năm qua.    

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng có những nhận định tương tự khi dự báo sản lượng cà phê robusta toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 74,1 triệu bao so với 76,6 triệu bao của niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây. Chủ yếu là do sản lượng của Indonesia sụt giảm mạnh do thời tiết bất lợi.

Còn tại Việt Nam, Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính sản lượng cà phê trong niên vụ 2023-2024 giảm khoảng 10% so với niên vụ trước do diện tích sản xuất thu hẹp khi một số hộ dân chuyển sang trồng sầu riêng.

Trong khi tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất trong nhiều năm, chỉ bằng 1/3 so với niên vụ trước đó. Vụ thu hoạch 2023-2024 vừa kết thúc nhưng thị trường nội địa Việt Nam đã bắt đầu xảy ra hiện tượng khan hàng.

“Năm ngoái tháng 6 mới khan hàng, năm nay khó khăn mua hàng xuất hiện ngay từ tháng 2. So với các năm vẫn còn hàng mua đến cuối vụ thì năm nay khác nhiều. Doanh nghiệp phải chờ 8 tháng nữa vào vụ mới, mới có hàng, lo lắng ít việc, khó trang trải chi phí trong thời gian tới”, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết.  

Brazil gia nhập cuộc đua xuất khẩu với Việt Nam

Nhu cầu ở mức cao đã đẩy giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên lên mức kỷ lục mới là 92.000 đồng/kg trong phiên giao dịch ngày 13/3, tăng hơn 33% so với đầu năm và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời mức giá này cũng cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại được giao dịch ở mức 176,4 US cent/bao (loại 60kg/bao), tương ứng khoảng 72.188 đồng/kg trên thị trường nội địa Brazil.

“Nhu cầu đang rất cao. Các nhà rang xay nhỏ và vừa cũng đang lâm vào tình cảnh khát hàng, nhưng buộc phải chấp nhận mức giá cao kỷ lục, trong bối cảnh giá cước cũng lên cao do căng thẳng Biển Đỏ”, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak cho hay.

Mặc dù vậy, Việt Nam được cho là đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Brazil khi các công ty nước ngoài bắt đầu rang hàng của nước này.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) cho biết, Brazil đã xuất khẩu kỷ lục hơn 1 triệu bao cà phê robusta ra thị trường thế giới trong 2 tháng đầu năm, tăng gấp 6,3 lần (531,2%) so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 13,5% tổng xuất khẩu cà phê nhân của nước này.

Trong 12 tháng tính đến tháng 2/2024, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 5 triệu bao cà phê robusta, tăng 5,7 lần so với một năm trước. Cà phê robusta của Brazil được cho là có giá tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh và đang lấp đầy khoảng trống mà Việt Nam và Indonesia, hai nhà sản xuất hàng đầu để lại do mất mùa.

 

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Cecafé    

Ngoài Brazil, hiện tại một số quốc gia châu Phi cũng bắt đầu bước vào cuộc đua trồng robusta. Điển hình như Uganda. Nước này đang tập trung phát triển cà phê robusta bởi dễ trồng, năng suất cao. Các nhà rang xay cũng bắt đầu dùng hàng của Uganda.

Bên cạnh đó, nếu giá cà phê robusta vẫn tiếp tục tăng cao trong khi giá hạt arabica đang giảm, thì các nhà rang xay có thể quay trở lại sử dụng hạt arabica. Điều này sẽ bất lợi đối với hạt robusta và giá có thể giảm xuống. "Giá cà phê hay nhiều loại nông sản khác một khi đã giảm sau một đợt tăng nóng thì sẽ giảm rất mạnh và sâu",  đại diện của một doanh nghiệp xuất khẩu lớn cho biết. 

Hoàng Hiệp