|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Xuất khẩu cà phê năm 2024 có thể đạt kỷ lục mới 5 tỷ USD'

11:13 | 12/03/2024
Chia sẻ
Đây là nhận định của ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco DakLak, doanh nghiệp thuộc Top 3 xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước.

Xuất khẩu cà phê có thể đạt kỷ lục mới

Sau khi đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD vào năm ngoái, xuất khẩu cà phê duy trì đà tăng trong hai tháng đầu năm. Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 398.819 tấn cà phê, trị giá hơn 1,2 tỷ USD, tăng 16,4% về khối lượng nhưng tăng tới 68% về giá trị nhờ giá duy trì ở mức cao.

Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình trong 2 tháng qua đạt 3.146 USD/tấn, tăng 44% so cùng thời điểm năm ngoái. 

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Nhận định về triển vọng xuất khẩu cà phê năm nay, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - doanh nghiệp thuộc Top 3 xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, cho rằng kim ngạch có thể đạt mức kỷ lục mới 5 tỷ USD trong năm nay. 

“Chúng ta đang chứng kiến cục diện lớn hơn của ngành cà phê Việt Nam. Cách đây 10 năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, năm vừa rồi đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD và năm nay có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD”, ông Huy nói. 

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam bắt đầu đà tăng mạnh kể từ tháng 10 năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung trong nước khan hiếm do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Điều này đồng thời khiến giá trong nước và giá xuất khẩu đều tăng mạnh. Tính đến ngày 11/3, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên trung bình quanh mốc 91.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thời điểm cách đây một năm. 

“Mức giá hiện nay là rất cao. Điều này là tin vui cho người nông dân nhưng lại “mệt” cho các nhà rang xay và xuất khẩu. Chúng tôi có những đơn hàng xuất khẩu ký từ tháng 7/2022 chốt giá 48.000 đồng/kg và giao trong vòng 1 năm rưỡi. Nhưng có thời điểm chúng tôi phải thu mua cà phê từ người dân với mức giá lên lên 92.000 đồng/kg thì mọi người có thể tưởng tượng được là đơn hàng đó lỗ đến mức nào”, ông nói. 

 Nguồn: Giacaphe.com (H.Mĩ tổng hợp)

Trước đó, giá cà phê duy trì ở mức thấp trong nhiều năm và chỉ bắt đầu phục hồi từ giữa năm ngoái đến nay. Giá cà phê thấp trong khi chi phí đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu….tăng cao khiến nhiều người dân bỏ vườn, chuyển sang các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng. 

Sản lượng thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất trong nhiều năm. Theo đó, tồn kho từ niên vụ 2022-2023 chuyển sang ước khoảng 58.000 tấn, bằng 1/3 so với niên vụ trước đó.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) ước tính sản lượng niên vụ 2023 - 2024 giảm khoảng 10% so với niên vụ trước đó xuống khoảng 1,6 triệu tấn. 

Đại diện của một doanh nghiệp cho biết do tồn kho từ năm ngoái thấp, cộng thêm sản lượng giảm dẫn đến tình trạng khan hàng sớm hơn từ tháng 2. Ngoài ra, khoảng 70% nông dân trồng cà phê đã bán hết, còn 30% chưa bán do khả năng tài chính của họ đủ để trang trải các chi phí.

Tuy nhiên, nhìn vào khía cạnh tích cực, theo ông Huy trong bức tranh lớn hơn, giá cà phê đang tăng, người dân sẽ đầu tư nhiều hơn cho loại cây trồng tỷ USD này và tiếp tục mang lại giá trị tốt hơn.

Trên thực tế, thời gian qua, chất lượng cà phê robusta của Việt Nam đang dần cải thiện. 

“10 năm trước, nhiều nhà rang xay nổi tiếng ở Italy và Đức nhập khẩu cà phê Việt Nam nhưng vẫn gắn mác là từ Indonesia bởi chúng ta chưa có thương hiệu. Nhưng hiện tại, cà phê robusta Việt Nam không còn là “cầu thủ dự bị” khi giá arabica tăng cao, hay chỉ đơn thuần dùng chiết suất làm cà phê hoà tan nữa. Hiện nay, robusta Việt Nam đã được công nhận là loại cà phê có vị ngon riêng biệt”, ông Huy nói thêm. 

Theo số liệu của Vicofa, cà phê robusta chiếm khoảng 90% tỷ trọng các chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023. Đức, Italy và Mỹ là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Giá cà phê có thể chịu áp lực bán tháo trong thời gian tới

Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng bất chấp lo ngại nguồn cung đang bị thắt chặt vì vấn đề vận tải hàng hải quốc tế và nhu cầu toàn cầu ngày càng cao, dự báo giá cà phê thế giới sẽ chịu áp lực giảm trong thời gian tới do hoạt động bán tháo của các quỹ và nhà đầu cơ. 

Nhận định trên dựa vào một số yếu tố sau. Dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE tăng đáng kể trên cả hai sàn. Tính đến ngày 23/2, tồn kho cà phê robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát tăng 2.910 tấn (tương đương mức tăng 14,5%) so với tuần trước đó, lên mức 23.000 tấn (khoảng 383.333 bao, bao 60 kg).

Ngoài ra, số liệu ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024 và dự kiến sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2024-2025 cao hơn các dự báo trước đó do thời tiết khô hạn đã giảm bớt, trong khi biến động tỷ giá USD/BRL đã khuyến khích người Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu. 

Cuối tháng 2, đà tăng giá cà phê robusta chậm lại, trong khi giá cà phê arabica giảm do lo ngại rủi ro tăng cao trước khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trở lại khiến các quỹ và đầu cơ dịch chuyển dòng vốn đi tìm kiếm các thị trường có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, báo cáo tồn kho tăng mạnh đã gây ra hiện tượng bán tháo của các quỹ và nhà đầu cơ, khiến giá cà phê chịu ảnh hưởng. 

Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 tăng 5,8% so với niên vụ trước lên 178 triệu bao, trong đó sản lượng của cà phê arabica tăng 8,8% lên 102,2 triệu bao và robusta tăng 2,1% lên 75,8 triệu bao. 

Tiêu thụ dự kiến tăng 2,2% lên 177 triệu bao, thị trường cà phê thế giới sẽ thặng dư 1 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.

H.Mĩ