|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VCCI: Nhiều quy định mới phát sinh gây gánh nặng hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp

15:44 | 25/04/2024
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban pháp chế VCCI khi cả nước đang cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính thì trong chính các văn bản mới lại xuất hiện các quy định bất hợp lý, tạo gánh nặng tuân thủ quy định đối với doanh nghiệp.

"Xuất hiện một một số trường hợp, bộ, ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng lại đẩy xuống quy chuẩn kỹ thuật, gây gánh nặng tuân thủ quy định với chi phí hàng nghìn cho doanh nghiệp", đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật Việt Nam năm 2023 tổ chức sáng ngày 25/4 tại Hà Nội.

Hội thảo công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật Việt Nam năm 2023. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Trong giai đoạn 2016 – 2020, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành thúc đẩy mạnh mẽ. Hàng nghìn điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hóa hoặc quy định theo hướng cụ thể, minh bạch, rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được thực hiện trong hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh và trong các hoạt động sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã không còn mạnh mẽ như giai đoạn trước. Một số điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp vẫn còn tồn tại.

Doanh nghiệp mất hàng nghìn tỷ đồng để tuân thủ quy định

Chia sẻ tại hội thảo, ông Bạch Quốc Thắng, đại diện Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh thuốc thú y Việt Nam cho biết, dù nhận ra được bất cập thuốc thú y phải được quản lý chất lượng bằng quy chuẩn kỹ thuật từ năm 2015, song đến nay, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) mới chỉ ban hành các Thông tư tiếp tục lùi thời hạn áp dụng quy định và chưa tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung.

Ông Bạch Quốc Thắng, đại diện Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh thuốc thú y Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Ông Thắng lo ngại, với hơn 20.000 dòng sản phẩm thuốc thú y hiện đang lưu hành, việc bắt buộc phải hợp quy sẽ có rất nhiều bất cập, không chỉ về thời gian, chi phí mà cả sự gián đoạn cung ứng. Bởi, hiện nay, chỉ có khoảng ba đơn vị đánh giá sự phù hợp có thể thử nghiệm thuốc thú y phục vụ cho thủ tục hợp quy.

Nếu các đơn vị này hoạt động hết công suất thì cũng mất nhiều tháng, thậm chí cả hơn một năm mới có thể hoàn tất việc hợp quy các loại thuốc thú y. Trong thời gian chưa hoàn thành việc hợp quy, các loại thuốc thú y sẽ không được cung cấp trên thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi tại Việt Nam.

“Với điều kiện khí hậu nóng ẩm như của Việt Nam, các đàn gia súc, gia cầm không được cung cấp thuốc thú y sẽ có nguy cơ dịch bệnh cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng thực phẩm trên toàn quốc. Chi phí của việc hợp quy này sẽ khiến giá thành sản xuất kinh doanh tăng khoảng 10% tuỳ sản phẩm”, ông Thắng lo ngại.

Có hiện tượng đẩy đẩy điều kiện kinh doanh xuống quy chuẩn kỹ thuật

Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong các đợt cải cách, các bộ, ngành chú trọng tới hoạt động rà soát các quy định hiện hành nhằm đạt được các mục tiêu của Chính phủ đặt ra, còn hoạt động kiểm soát các quy định kinh doanh bất hợp lý đang, sẽ sửa đổi dường như ít được xem xét hơn.

Đáng quan ngại, mặc dù hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang thúc đẩy, nhưng khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mới/sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành, các quy định bất hợp lý, gây vướng cho doanh nghiệp lại xuất hiện.

Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).  

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Đức cho biết, tại Nghị định số 10 năm 2020, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container xe đầu kéo phải lắp camera. Đây là yêu cầu mới so với các yêu cầu về điều kiện kinh doanh vận tải trước đây, nhằm mục đích giám sát lái xe để đảm bảo an toàn giao thông.

Quy định này đã tạo ra gánh nặng rất lớn về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Bởi, để thực hiện quy định này, một xe ô tô có thể phải gánh các chi phí khoảng 17 triệu đồng trong đó bao gồm: Phí lắp camera 5,8 triệu đồng; chi phí truyền dữ liệu 1,2 triệu đồng, chi phí thải bỏ camera là 5 triệu đồng, chi phí để tháo dỡ camera là 5 triệu đồng (đối với các doanh nghiệp đã lắp camera trước đó nhưng không tương thích với yêu cầu truyền dẫn của quy định).

“Nếu trên cả nước có 200.000 xe khách, xe ô tô đầu kéo, container" thì chi phí ước tính để tuân thủ riêng phần lắp camera là 1.160 tỷ đồng”, hàng tháng chi phí truyền dẫn dữ liệu sẽ là 240 tỷ đồng”, ông Đức tính toán.

"Một số trường hợp, bộ, ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng lại đẩy điều kiện kinh doanh xuống quy chuẩn kỹ thuật. Điều này vô hình trung, về mặt hình thức, điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải áp dụng điều kiện kinh doanh khắt khe”, đại diện Ban Pháp chế VCCI nêu vấn đề.

Từ góc độ chuyên gia, Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cũng nhấn mạnh cần bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng.

Các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp thì kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hoá, giảm chi phí tuân thủ và đảm bảo không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, thiếu tính minh định thì kiến nghị sửa đổi để đảm bảo điều kiện kinh doanh phải cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và khả thi. Trong trường hợp không xác định được các điều kiện, tiêu chí cụ thể, minh bạch thì kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh này.

Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn; mục tiêu quản lý không rõ ràng; có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn thì yêu cầu các bộ, ngành đề xuất sửa đổi Danh mục thuộc Phụ lục IV của Luật Đầu tư theo hướng bãi bỏ những ngành nghề này tại Danh mục.

“Trường hợp cần thiết đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện”, bà Thảo nêu rõ.

Ngọc Bảo