|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Rào cản kiểm toán báo cáo tài chính từ góc nhìn người trong cuộc

08:00 | 17/03/2024
Chia sẻ
Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, trong một cuộc kiểm toán, luôn tồn tại những hạn chế vốn có làm cho hầu hết bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên dựa vào để đưa ra kết luận và ý kiến kiểm toán đều mang tính thuyết phục hơn là khẳng định.

Nhiều năm qua, dấu hỏi về chất lượng kiểm toán các báo cáo tài chính là một câu chuyện không còn xa lạ trên thị trường tài chính. Song, xét từ góc độ người trong cuộc, không phải lúc nào câu chuyện kiểm toán báo cáo tài chính cho doanh nghiệp cũng dễ dàng.

Một người có nhiều năm trong lĩnh vực kiểm toán cho biết: "Trong quá trình kiểm toán thì khâu lập kế hoạch với khách hàng mới gây khó khăn nhất để xác định liệu doanh nghiệp được kiểm toán có gian lận không.

Bởi khách hàng mới nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khiến kiểm toán viên chưa nắm rõ như khách hàng cũ. Bên cạnh đó, khách hàng mới dẫn tới phạm vi kiểm toán phải thực hiện sẽ lớn hơn rất nhiều nếu quá trình kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm dẫn tới cần mở rộng phạm vi thực hiện các thủ tục.

Ngoài ra, trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán do chưa ước lượng đầy đủ sự phức tạp và quy mô cần thực hiện nên chưa thể xác định liệu doanh nghiệp có gian lận hay không".

Ảnh minh hoạ.

Hạng mục nào khó kiểm toán nhất?

Theo kinh nghiệm của một đại diện trong mảng kiểm toán cho hay: "Tùy theo khách hàng, mỗi khách hàng có quy mô sản xuất, địa bàn phân bố, đặc điểm quy trình sản xuất khác nhau và loại hình sản xuất khác nhau nên dẫn tới hạng mục trên báo cáo tài chính khó xác định với mỗi loại doanh nghiệp sẽ khác nhau:

Với doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, sử dụng nhiều nguyên vật liệu khác nhau cho quá trình sản xuất, quy trình sản xuất qua nhiều giai đoạn, có nhiều bán thành phẩm, sản phẩm dở dang cuối kỳ và nhiều thành phẩm khác nhau thì hàng tồn kho là phần hành khó xác định tính chính xác nhất.

Bởi, phần hành hàng tồn kho sử dụng nhiều ước tính kế toán, quy trình sản xuất phức tạp với nhiều công đoạn sản xuất và bán thành phẩm/sản phẩm phụ/thành phẩm/phế liệu... sẽ gây ra tính toán khó khăn phức tạp, quy mô tính toán rất lớn và như vậy tiềm ẩn nhiều sai phạm cũng như tốn nhân lực thực hiện kiểm tra. 

Với doanh nghiệp xây dựng, hạng mục xây dựng cơ bản dở dang và hàng tồn kho khó xác định bởi công ty có thể có nhiều dự án, nhiều công đoạn xây dựng, khó tập hợp chính xác tuyệt đối khối lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, chu kỳ xây dựng dài, luân chuyển chứng từ trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn bởi đặc điểm hoạt động xây dựng tại nhiều địa điểm, tính toán phức tạp và nhiều ước tính kế toán

Về doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với tần suất dày đặc có giao dịch nhiều loại ngoại tệ, đối tác nước ngoài là chủ yếu thì phần hành thuế sẽ tiềm ẩn nhiều khó khăn bởi khối lượng tính toán lớn, tỷ giá thay đổi thường xuyên, luân chuyển chứng từ và khối lượng tính toán theo dõi lớn... Do vậy gây khó khăn khi đối chiếu kiểm tra và đưa ra kết luận về số liệu.

Với lĩnh vực tài chính ngân hàng thì hạng mục phần khó xác định tính chính xác nhất là dự thu, dự chi, các tài sản không phổ biến và không có định giá thị trường.

Ở nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin, phần mềm, sử dụng chủ yếu nhân sự chất lượng cao, cấu thành giá thành sản xuất chủ yếu là chi phí lương thì việc phân bổ hợp lý, tập hợp chi phí và tính toán số học phân bổ chi phí theo dự án là khó khăn lớn. Bởi một nhân sự có thể đảm nhiệm rất nhiều dự án trong cùng một thời điểm, ước lượng chính xác hao tốn chi phí lương cho một công việc/dự án mang tính ước tính.

Do vậy phần hành về tính giá thành (giá vốn) trong công ty công nghệ thông tin chuyên gia công phần mềm sẽ phức tạp và mang tính ước tính nhiều. Do đó, việc xác định không thể chính xác tuyệt đối 100%", vị này chia sẻ.

Rủi ro của kiểm toán

Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, rủi ro kiểm toán là rủi ro do kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán còn chứa đựng sai sót trọng yếu. Rủi ro kiểm toán là hệ quả của rủi ro có sai sót trọng yếu (gồm rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát) và rủi ro phát hiện.

"Để kiểm toán viên có cơ sở để đưa ra ý kiến kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam yêu cầu kiểm toán viên phải đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn hay không.

Sự đảm bảo hợp lý là sự đảm bảo ở mức độ cao và chỉ đạt được khi kiểm toán viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán (là rủi ro do kiểm toán viên đưa ra ý kiến không phù hợp khi báo cáo tài chính còn có những sai sót trọng yếu) tới một mức độ thấp có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, sự đảm bảo hợp lý không phải là đảm bảo tuyệt đối, do luôn tồn tại những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán làm cho hầu hết bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên dựa vào để đưa ra kết luận và ý kiến kiểm toán đều mang tính thuyết phục hơn là khẳng định", trích Chuẩn mực kiểm toán số 200.

 

Rủi ro lớn nhất với kiểm toán viên là trở thành đồng phạm giúp sức trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các rủi ro khác nhẹ hơn là xử phạt vi phạm hành chính hoặc rút giấy phép hành nghề. Còn rủi ro khi không ký là không có khách hàng thậm chí là ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh công ty.

Chia sẻ từ một đại diện trong lĩnh vực kiểm toán

Hoàng Kiều

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.