Những thách thức trong việc cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh
Theo Báo cáo, hầu hết các bộ ngành đã đưa ra kế hoạch cắt giảm, soạn thảo và trình ban hành các quy định cắt giảm trên thực tế để đạt mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.
Loạt Nghị định cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính năm 2018 đã là cú hích quan trọng giúp các doanh nghiệp bỏ thêm nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã giảm từ mức 58% trong năm 2017 xuống còn mức 48% trong năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục này cũng giảm mạnh từ mức 42% xuống còn 34%.
Số liệu khảo sát doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có xu hướng tăng trở lại lên 52% trong năm 2019 và 59% trong năm 2020. Hiện tượng này chứng tỏ đang có sự dịch chuyển số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề từ các ngành không cần điều kiện sang các ngành cần điều kiện. Điều này có thể xuất phát từ sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề một cách tự nhiên trong nền kinh tế, nhưng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân là do việc xin các giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm xuống chỉ còn 32% trong năm 2020.
Dù có kết quả như vậy, song tỷ lệ 32% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh cho thấy rằng dư địa cải cách trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Các điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau vẫn còn tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật.
Cũng về vấn đề này, phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo diễn ra tại Hà Nội sáng 20/4, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra một số thách thức trong tương lai gồm việc đảm bảo 50% điều kiện đầu tư kinh doanh được bãi bỏ trong thời gian qua sẽ không "mọc" trở lại.
"Giấy phép kinh doanh đã từng được bãi bỏ trong giai đoạn 2000 -2003, nhưng xuất hiện trở lại sau 10 năm.", ông Hiếu đưa ra dẫn chứng; đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta đã dễ dàng bãi bỏ 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng để tiếp tục bãi bỏ thêm 10% điều kiện nữa là cả một vấn đề.".