Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: 'Niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh'
Phát biểu tại Hội nghị "Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02 năm 2022: Kết quả, Bài học và Kiến nghị" diễn ra sáng 9/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho hay, từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng; và do đó kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của Bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.
Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm.
So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).
Nhìn chung, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương.
Báo cáo tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết 02, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022 ngày càng rõ ràng, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh cầm chừng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, mức độ quan tâm đến cải cách môi trường kinh doanh lại có xu hướng chùng xuống, chưa được như Chính phủ chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
Trong đó, nhiều văn bản luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường,.... Đây là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh áp lực nặng nề bởi chi phí xăng dầu tăng cao, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, doanh nghiệp còn gặp phải gánh nặng về chi phí khác như: Chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển,...
Chi phí và thời gian thông quan bị kéo dài do việc kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt ở một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của nước ta. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức. Đây là những hạn chế về môi trường kinh doanh trong năm qua.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, theo ông Nguyễn Hoa Cương, các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, Phó Viện trưởng CIEM đề xuất các bộ, ngành cần cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đơn giản hoá thủ tục kinh doanh. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh mới.
Không quy định thêm các rào cản đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung, văn bản pháp luật hiện hành. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, ông Cương đề xuất.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/