Cho đến nay chúng ta đã nhìn thấy toàn cảnh bức tranh của nền kinh tế 2023; có những điểm sáng nhưng phần lớn vẫn phản ánh một bối cảnh khó khăn. Về căn bản những gì còn tồn tại, thách thức của năm 2023 sẽ kéo dài sang 2024, chứ chưa có nhiều thay đổi đáng kể.
Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia là “bạn hàng” của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, kéo theo nhu cầu nhập khẩu có thể chưa hẳn đã tốt hơn 2023. Xuất khẩu 2024 có thể vẫn gặp khó khăn mà đây là một trong những động lực tăng trưởng của chúng ta trong nhiều năm qua.
Một khi xuất khẩu khó khăn thì sản xuất công nghiệp cũng chưa có bứt phá, vì sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu là nằm ở khu vực đầu tư nước ngoài và gắn chặt với xuất khẩu.
Môi trường vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng không còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục hạ lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào quyết định của các ngân hàng thương mại và quyết định giảm lãi suất cho vay đối với họ là điều không dễ dàng.
Thị trường chứng khoán cũng trồi sụt, có đi lên những không bứt phá, trái phiếu doanh nghiệp khó cải thiện, bất động sản vẫn còn đóng băng.
Nói đến đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân, mấy năm vừa rồi, đặc biệt là 2023 các thị trường trong nước sụt giảm niềm tin, mọi chỉ số đều giảm sút, môi trường kinh doanh khá bất ổn khiến vốn đầu tư tư nhân giảm mạnh. Cho dù, lãi suất huy động xuống mức thấp thì người dân cũng không đầu tư kinh doanh mà chọn phương án an toàn là gửi tiết kiệm.
Trong điều kiện như thế dường như đầu tư công không có tác dụng đáng kể trong việc kéo đầu tư tư nhân.
Vì vậy, điều tôi quan tâm nhất là liệu môi trường kinh doanh có cải thiện không. Bởi nếu môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn do bối cảnh bên ngoài. Môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước, hiện đang chiếm hơn 60% tổng đầu tư xã hội.
Đầu tư tư nhân trong nước đang mất đà và có tốc độ tăng trưởng rất thấp trong mấy năm qua. Khi nhà đầu tư có niềm tin; họ đầu tư mới hoặc tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất thì khi môi trường bên ngoài có cải thiện, thuận lợi hơn các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng ngay được cơ hội đó và bứt phá.
Vì vậy, năm nay Chính phủ đã ban nghị quyết chuyên đề số 02 tương tự như Nghị quyết 19 và nghị quyết 02 trước đây, điều này có thể giúp môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể. Thực tế cho thấy, cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất. Đồng thời, đó cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất và ít tốn kém nhất.
Đầu tư công – yếu tố luôn được đánh giá là động lực tăng trưởng trong thời kỳ khó khăn hậu COVID-19 cũng có những điều chưa ổn. Năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công cả về tuyệt đối và tỷ lệ tăng trưởng đều cao hơn các năm trước nhưng lại xảy ra hiện tượng chưa từng có là nhiều bộ, ngành và địa phương xin trả lại vốn đầu tư công. Điều này cho thấy vốn đầu tư công có cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn.
Những hiện tượng chậm chạp trong giải ngân vốn đầu tư công đã kéo dài nhiều năm, năm nay có cải thiện nhờ sự đốc thúc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng những nguyên nhân cơ bản gây chậm trễ, ách tắc vốn đầu tư công vẫn chưa xử lý được: Chất lượng chuẩn bị dự án chất lượng còn thấp, các vướng mắc, chồng chéo, chưa rõ ràng.. trong các quy định pháp luật có liên quan chưa được xử lý; năng lực nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu, nguồn cung nguyên liệu, vật liệu để san lấp, làm nền các công trình hạ tầng… vẫn còn gặp khó khăn…
Thực trạng nói trên sẽ kéo dài sang năm 2024 và có thể kéo dài hơn. Số vốn đầu tư công được giải ngân trong năm 2024 cũng được dự báo là sẽ thấp hơn năm 2023 vì không còn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển. Vì vậy, những giải pháp đặt ra đối với nâng cao hiệu quả đầu tư công phải mang tính hệ thống chứ không nên gỡ khó từng dự án riêng lẻ.
Với dòng vốn đầu tư FDI, nguồn vốn này gắn rất chặt với xuất khẩu. Tuy rằng năm nay vốn đăng ký tăng cao nhất trong mấy năm gần đây, nhưng giải ngân FDI sẽ phụ thuộc nhiều vào phục hồi nhu cầu nhập khẩu từ bên ngoài nên khó có thể kỳ vọng vào một điều kỳ diệu.
Với cái nhìn như vậy, theo tôi kinh tế năm 2024 chưa vượt qua khó khăn và mức tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra đang ở giới hạn cao. Nếu muốn đạt được điều đó cần thực hiện thật mạnh mẽ những cải cách ở trong nước.
Trong đó, ngoài đầu tư công như lâu nay, cần đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và ổn định tâm lý của các loại thị trường, người dân. Đồng thời, cần tăng thêm hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời hạn dài hơn (có thể kéo dài đến hết năm 2025) từ các chính sách tài khoá đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Một điều nữa là nếu muốn vượt qua khó khăn cần nhìn thẳng vào sự thật, vào những hiện thực khách quan. Thực tế cho thấy chỉ khi đánh giá đúng thực tế, xác định trúng vấn đề thì mới đưa ra những quyết sách đúng đắn để vượt qua khó khăn và tạo ra được kết quả như kỳ vọng.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)