Dow Jones mất hơn 800 điểm trong hai ngày đầu tháng 10, chuyện gì đang diễn ra?
Kết phiên 2/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 494,42 điểm (1,86%) xuống còn 26.078,68 điểm. Trên đồ thị, chỉ số này đã cắt xuống dưới các đường bình quân trượt 50 ngày và 100 ngày (MA50 và MA100) – hai ngưỡng kĩ thuật quan trọng được nhà đầu tư theo dõi.
Chỉ số S&P 500 mất 1,79%, đóng cửa ở 2.887,61 điểm và cũng đã cắt xuống dưới đường MA50 và MA100. Riêng nhóm cổ phiếu công nghệ sụt 2%. Tất cả 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ, trong đó 10 nhóm giảm ít nhất 1,2%.
Phiên 1/10, chỉ số này cũng đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm 1,23%. Theo số liệu của Bespoke Investment Group, trong suốt lịch sử gần 100 năm của S&P 500, đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm trên 1% trong cả hai phiên đầu tháng 10.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,56% và kết phiên ở 7.785,25 điểm. Các cổ phiếu công nghệ lớn cũng "hòa chung" đà giảm của thị trường. Amazon, Apple và Alphabet đều mất ít nhất 1,3%. Microsoft sụt 1,8%.
Chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 2/10 đồng loạt kết phiên trong sắc đỏ. Nguồn: Bloomberg.
Trao đổi với CNBC, ông Yousef Abbasi – chuyên gia tại INTL FCStone nhận định:
"Dường như việc chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận thương mại đang thực sự ảnh hưởng tới tăng trưởng. Tâm lí nhà đầu tư đang chuyển từ "Chúng ta có đạt được thỏa thuận thương mại không và nó sẽ tác động tới tăng trưởng như thế nào?" sang "Chúng ta còn phải đợi bao lâu nữa?".
Kết thúc tháng 9, các chỉ số đã quay lại rất gần đến đỉnh lịch sử thiết lập hồi cuối tháng 7. Tuy nhiên giờ đây giữa lo ngại về suy thoái kinh tế, mục tiêu này lại trở nên ngày một xa vời.
Tính tổng cả hai ngày đầu tháng 10, Dow Jones đã mất 838 điểm, tương đương 3,1%. Trong cả quí III, chỉ số này chỉ tăng được 1,2%.
Tính từ đầu năm đến nay, Dow Jones vẫn tăng 11,8%.
Nền kinh tế với những "triệu chứng" đáng ngại
Dow Jones bắt đầu giảm sâu trong phiên 1/10 sau khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) – thước đo quan trọng về sức khỏe của ngành sản xuất – giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.
Theo số liệu do Viện Quản lí nguồn cung (ISM) công bố, chỉ số PMI tháng 9 vừa qua chỉ đạt 47,8 điểm. Theo qui ước, PMI dưới 50 điểm thể hiện hoạt động sản xuất suy giảm. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này dưới 50 điểm.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực sản xuất giảm sâu xuống ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 6/2009. Nguồn: CNBC.
Bước sang ngày 2/10, thị trường đón nhận số liệu việc làm không mấy khả quan. Theo báo cáo của ADP và Moody's Analytics, khu vực tư nhân Mỹ tạo ra thêm 135.000 việc làm trong tháng 9, giảm đáng kể so với con số 157.000 việc làm mới của tháng 8.
Chưa kể, con số 157.000 của tháng 8 là kết quả sau khi điều chỉnh giảm mạnh ước tính ban đầu (195.000) công bố hồi tháng trước.
Số việc làm mới trung bình hàng tháng trong 9 tháng năm 2019 đạt 145.000, giảm sâu so với mức trung bình 214.000 của 9 tháng đầu năm ngoái.
Số việc làm tư nhân thêm mới hàng tháng tại Mỹ, theo khảo sát của ADP và Moody's Analytics. Nguồn: Bloomberg.
Điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump
Hai dấu hiệu cảnh báo về kinh tế xuất hiện đúng lúc Tổng thống Mỹ đang bị Đảng Dân chủ ở Hạ viện tổ chức điều tra luận tội với cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực Tổng thống để bôi nhọ đối thủ tranh cử Joe Biden.
Khả năng ông Trump bị luận tội được cho là có tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán do lo ngại quá trình luận tội sẽ cản trở đàm phán thương mại, nhất là với Trung Quốc.
Tuần trước, các nhà phân tích chính sách của Washington cảnh báo khách hàng rằng vụ luận tội nhiều khả năng sẽ làm chậm quá trình thông qua Thỏa thuận Mỹ - Mexico – Canada (hay USMCA) hoặc ảnh hưởng cả việc đi đến giải pháp với Bắc Kinh.
Với thuế quan tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp, Phố Wall duy trì lo ngại rằng ông Trump sẽ không thể đạt được một thỏa thuận dẫn tới việc gỡ bỏ thuế quan đang áp vào hàng trăm tỉ USD hàng hóa.