Lộ trình luận tội Tổng thống Trump: Đường đi nước bước sắp tới của các bên
Ông Trump năm 2016. Ảnh: Getty Image.
Mối quan hệ giữa Đảng Dân chủ và vị Tổng thống đến từ Đảng Cộng hòa Donald Trump lâu nay không mấy hữu hảo và sắp tới có lẽ sẽ càng thêm sóng gió.
Cả thảy 6 Ủy ban của Hạ viện do Đảng Dân chủ chiếm đa số đã, đang và sẽ tham gia vào cuộc điều tra luận tội ông Trump. Nội dung điều tra xoay quanh cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 25/7 năm nay.
Ông Trump đang bị nghi ngờ đã gây áp lực lên ông Zelensky để nhà lãnh đạo Ukraine này điều tra gia đình ứng cử viên Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ.
Ông Joe Biden hiện là một trong những ứng viên sáng giá của Đảng Dân chủ cho cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ năm 2020.
Từ năm 2014 đến tháng 4/2019, con trai của ông là Hunter Biden làm thành viên HĐQT của Burisma – công ty khí đốt lớn nhất Ukraine. Ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ giai đoạn tháng 1/2009 đến tháng 1/2017 và được giao nhiệm vụ ngoại giao với chính quyền Ukraine.
Một số người nghi ngờ rằng đã xảy ra tham nhũng khi cả hai cha con nhà Biden cùng làm việc với Ukraine trong lúc Joe Biden đang tại vị Phó Tổng thống, tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào về những nghi ngờ này.
Dưới áp lực của đảng đối lập, ông Trump đã công bố bản chép lại (transcript) dài 5 trang tóm tắt cuộc điện thoại ngày 25/7 với Tổng thống Ukraine.
Một người tố giác (whistleblower) cũng đã gửi đơn tố cáo tới Quốc hội Mỹ với ý cáo buộc ông Trump cố tình cắt tiền viện trợ quân sự cho Ukraine để buộc nước này điều tra ông Joe Biden, qua đó giúp ông Trump có thêm cơ hội thắng cử năm 2020.
Người tố giác này còn cho rằng Nhà Trắng đã cố gắng che dấu nội dung của cuộc điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo.
Theo bản chép lại (transcript) đã công bố, quả đúng ông Trump đã đề nghị Tổng thống Ukraine điều tra hai cha con ông Biden nhưng không có nội dung cho thấy ông Trump dùng tiền viện trợ quân sự để mặc cả. Tuy vậy đây chỉ là bản tóm tắt không đầy đủ, cuộc nói chuyện thực tế kéo dài khoảng 30 phút và còn nhiều nội dung chưa được công bố.
Trong lịch sử hơn 300 năm của nước Mỹ mới chỉ có hai Tổng thống bị luận tội. Liệu ông Trump có trở thành vị Tổng thống thứ ba hay không? Qui trình luận tội thực tế trong thời gian tới sẽ diễn ra như sau:
Tiếp tục điều tra
Đảng Dân chủ ở Hạ viện đã bắt đầu nhiều cuộc điều tra thông qua 6 ủy ban riêng rẽ, tuy nhiên cuộc điều tra luận tội giờ đây sẽ tập trung chủ yếu vào vấn đề Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff là người chỉ đạo cuộc điều tra quan trọng này. Trao đổi với CNN, ông Schiff cho biết vài tuần tới Hạ viện sẽ "rất bận rộn" mặc dù Quốc hội sẽ tạm nghỉ họp theo lịch.
Ông cũng kì vọng các giấy triệu tập và các cuộc phỏng vấn nhân chứng vẫn sẽ diễn ra "nhanh chóng nhất có thể".
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff. Ảnh: AFP.
Trọng tâm của quá trình điều tra là cuộc phỏng vấn với người tố giác (whistleblower) từng nộp đơn tố cáo hành vi của ông Trump, cũng như những nhân chứng khác tại Nhà Trắng và có thể là cả luật sư riêng của Tổng thống Trump là Rudy Giuliani.
Vị luật sư này là người đi đầu giúp sức cho ông Trump trong những việc có liên quan đến Ukraine. Người tố giác đã yêu cầu được giữ bí mật danh tính nên các biện pháp an ninh cũng sẽ cần được đảm bảo.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từng hàm ý rằng bà muốn các ủy ban do Đảng Dân chủ kiểm soát sớm kết thúc quá trình điều tra rồi gửi các bằng chứng sai phạm thuyết phục nhất tới Ủy ban Tư pháp Hạ viện – đây là cơ quan thường được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản luận tội chính thức.
Bỏ phiếu ở Hạ viện
Sau khi văn bản luận tội được soạn thảo, các cuộc bỏ phiếu quan trọng sẽ diễn ra ở Hạ viện.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ bỏ phiếu trước. Ủy ban này cần phải nhất trí thông qua các điều khoản của văn bản luận tội rồi sau đó toàn thể Hạ viện mới bỏ phiếu.
Theo thống kê mới đây nhất của CNN, đại đa số các nghị sĩ Đảng Dân chủ đều ủng hộ cuộc điều tra luận tội. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là những người này sẽ ủng hộ luận tội ông Trump.
Trong quá trình này, các nhà phân tích sẽ chú ý quan sát xem nghị sĩ nào đi ngược lại chính sách chung của đảng mình. Những nghị sĩ Đảng Dân chủ ở các bang "xanh" (tức là bang có đa phần cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa) có thể sẽ bỏ phiếu phản đối luận tội.
Dù vậy, Đảng Dân chủ đang chiếm đa số ở Hạ viện và nhiều khả năng cơ quan lập pháp này sẽ thông qua việc luận tội ông Trump rồi gửi vụ việc lên Thượng viện xem xét.
Thượng viện tiếp quản vụ việc
Luận tội là một qui trình gần giống một vụ kiện. Văn bản luận tội do Hạ viện phê chuẩn có ý nghĩa như một bản cáo trạng chống lại ông Trump. Sau khi các tội danh truy tố được chính thức thông qua, phiên tòa sẽ bắt đầu - ở đây là quá trình quyết định tại Thượng viện.
Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ chủ trì một buổi xét xử tại Thượng viện được truyền hình trực tiếp. Tất cả 100 Thượng nghị sĩ sẽ có mặt và đóng vai bồi thẩm đoàn. Để có thể kết luận Tổng thống có tội và bị phế truất, ít nhất 67 Thượng nghị sĩ phải đồng ý.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện – ông Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các qui định trong buổi xét xử, chẳng hạn như thời gian diễn ra trong bao nhiêu ngày, bao nhiêu nhân chứng có thể được triệu tập, …
Do Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện nên đảng này sẽ có quyền đưa ra các qui định theo ý của mình.
Các Siêu Ủy ban Hoạt động chính trị (Super PAC) và các nhóm lợi ích khác sẵn lòng chi hàng triệu USD tiền quảng cáo trong thời gian phát sóng phiên xét xử. Các nhóm theo chủ nghĩa tự do (liberal) thường tìm cách khuyến khích nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ngược với chủ trương của đảng mình, đặc biệt là tại các bang dao động (swing state) sẽ tổ chức bầu Thượng nghị sĩ vào năm sau.
Các đồng minh của Tổng thống Trump thì muốn tận dụng cơ hội này để chỉ trích Đảng Dân chủ vì đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến luận tội thay vì chăm lo chính sách cho người dân.
Từ trước đến nay chưa có Tổng thống Mỹ nào bị Thượng viện kết luận có tội trong quá trình luận tội. Tổng thống Richard Nixon năm 1974 bị Ủy ban Tư pháp của Hạ viện thông qua văn bản luận tội nhưng ông này từ chức trước khi toàn thể Hạ viện bỏ phiếu và trước khi Thượng viện đưa ra phán quyết cuối cùng.
Tổng thống Bill Clinton bị Hạ viện luận tội vào năm 1998 nhưng Thượng viện ra phán quyết ông này trắng án. Bill Clinton tiếp tục làm Tổng thống cho tới hết nhiệm kì.
Tổng thống Trump chờ đợi số phận được định đoạt
Cho dù Tổng thống Trump không có mặt trong phiên xét xử ở Thượng viện và không trả lời câu hỏi dưới lời thề nói thật (under oath), ông vẫn sẽ xuất hiện thường xuyên trong các tài liệu luận tội chống lại ông.
Khi thông tin về cuộc điều tra luận tội "chiếm sóng" trong tuần qua, ông Trump tung ra hàng loạt dòng tweet thể hiện đầy sự bạo lực và giận dữ, công khai chỉ trích Đảng Dân chủ ở Hạ viện và thậm chí là buộc tội Chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Adam Schiff mà không đưa ra bằng chứng nào.
Ông cũng chia sẻ hàng chục dòng tweet ủng hộ của các chính trị gia Đảng Cộng hòa và các đoạn hình ảnh từ Fox News.
Ngay từ đầu, ông Trump và các đồng minh của mình đã cáo buộc việc điều tra luận tội này giống như một chiến dịch "săn phù thủy"
Khoảng thế kỉ 15-18 tại châu Âu diễn ra các cuộc săn phù thủy (witch hunt) khiến cho hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người vô tội bị qui chụp là phù thủy và bị hành quyết. Trong bối cảnh của ông Trump, cụm từ "săn phù thủy" được để chỉ các đợt tấn công chính trị ồn ào về truyền thông, trên danh nghĩa nhằm lật tẩy hành động sai trái, phản bội nhưng thực ra là để làm suy yếu đối thủ.
Chiến lược PR (quan hệ công chúng) này của ông Trump có thể giúp kiểm soát các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, nhưng nó cũng tạo ra rủi ro rằng lời nói của ông sẽ được dùng để chống lại ông trước tòa.
Các Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại, Tình báo và Giám sát của Hạ viện (cả ba người đều thuộc Đảng Dân chủ) đã phải gửi đi cảnh báo yêu cầu ông Trump ngừng cản trở cuộc điều tra luận tội và "đe dọa nhân chứng" khi vị Tổng thống Mỹ công khai chỉ trích các quan chức Nhà Trắng giúp đỡ người tố giác (whistleblower) và bóng gió về việc dùng đến án tử hình.
Thông cáo báo chí ngày 26/9 của ba Ủy ban Hạ viện Mỹ, yêu cầu ông Trump dừng ngay lập tức các hành động cản trở quá trình điều tra luận tội và đe dọa nhân chứng. Ảnh chụp màn hình.
Tác động tới cuộc bầu cử 2020
Giờ đây với quá trình luận tội thu hút mọi sự chú ý, cuộc đua vào Nhà Trắng của các ứng viên Đảng Dân chủ sẽ giảm tốc vì "nhiên liệu" đang được dồn về phía cuộc chiến ở tòa nhà Quốc hội (Capitol Hill). Nhưng sự giảm tốc này chắc chắn chỉ là tạm thời, cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa vẫn sẽ được tổ chức vào tháng 2/2020 cho dù có chuyện gì xảy ra.
Cuộc điều tra luận tội này xoay quanh nghi ngờ ông Trump vi phạm pháp luật liên quan đến Ukraine. Nhưng hành động của ông Trump lại nhằm mục đích thực hiện điều tra Joe Biden, bôi nhọ ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ.
Hiện vẫn còn khá sớm nhưng thực tế là ông Trump đang đứng sau ông Biden khá xa trong các cuộc khảo sát ở những bang dao động (swing state) quan trọng.
Đảng Cộng hòa có thể lật ngược thế cờ và tìm cách biến phiên xét xử luận tội thành một diễn đàn để phơi bày những nghi ngờ về sai phạm của ông Biden. Từ lâu Tổng thống Trump và đồng minh đã công bố nhiều thuyết âm mưu về hoạt động của hai cha con ông Biden tại Ukraine.
Những đối thủ tranh cử của ông Biden trong Đảng Dân chủ đang ở vào một tình huống khó xử. Họ giận "sôi máu" khi biết Tổng thống Trump muốn mượn tay Ukraine để điều tra ông Biden, nhưng họ lại không muốn công chúng vì vụ này mà ủng hộ ông Biden, giúp ông giành được đề cử của Đảng Dân chủ.
Vì vậy, các ứng viên khác sẽ tiếp tục công kích ông Biden về mặt chính sách nhưng phải cẩn thận để không ủng hộ những cáo buộc mà Tổng thống Trump gán lên ông Biden.