|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc cởi trói cho các giống cây trồng biến đổi gen

07:59 | 04/06/2021
Chia sẻ
Từng cảnh giác với các cây trồng biến đổi gen, chính phủ Trung Quốc nay đã thay đổi thái độ, vừa nhằm mục đích đảm bảo an ninh lương thực trong nước vừa để tăng sức ảnh hưởng ở nước ngoài.

"Thung lũng Silicon của ngành nông nghiệp Trung Quốc"

Đảo Hải Nam vốn nổi tiếng là một trong các thiên đường nghỉ dưỡng của Trung Quốc. Song, hòn đảo này còn đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của đất nước tỷ dân.

Các cây trồng vụ hè ở khu vực phía bắc hoặc miền trung của Trung Quốc đều trồng thử nghiệm ở đảo Hải Nam đầu tiên. Công tác thử nghiệm diễn ra từ mùa thu năm nay đến mùa xuân năm sau nhờ vào khí hậu nhiệt đới thuận lợi của hòn đảo.

Tại một cánh đồng lúa trên đảo Hải Nam, các nhà khoa học từ một cơ sở nghiên cứu của nhà nước đang chọn một vài bông lúa để cho vào túi. Chia sẻ với Nikkei Asia, một chuyên gia cho biết: "Chúng tôi sẽ gửi chúng về Thượng Hải để nghiên cứu hướng cải thiện sức đề kháng của cây lúa với các loại bệnh".

Trung Quốc cởi trói cho các giống cây trồng biến đổi gen - Ảnh 1.

Cánh đồng rộng 180 km2 dùng để thử nghiệm các cây trồng mới trên đảo Hải Nam. (Ảnh: Nikkei Asia).

Các nhà khoa học Trung Quốc bắt đầu trồng thử nghiệm hoa màu ở đảo Hải Nam từ những năm 1950, đến nay diện tích đất thử nghiệm đạt khoảng 180 km2. Vì những đóng góp của đảo Hải Nam trong lĩnh vực phát triển cây trồng, Bắc Kinh gọi vùng đất này là "Thung lũng Silicon của ngành nông nghiệp Trung Quốc".

Các "hạt giống" cho ngành nông nghiệp biến đổi gen Trung Quốc

Từ lâu, Trung Quốc đã phát triển các giống lúa và ngô có năng suất cao hơn thông qua lai tạo. Ngày nay, các động/thực vật biến đổi gen ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi lai tạo đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tốn nhiều công sức để tạo ra đặc tính mong muốn thì công nghệ biến đổi gen có thể rút ngắn thời gian và sức lực.

"Hạt giống" nòng cốt trong xu hướng biến đổi gen cây trồng chính là Yuan Longping High-tech Agriculture. Công ty nông nghiệp này được đặt theo tên giáo sư Viên Long Bình, người được mệnh danh là "cha đẻ" lúa lai của thế giới và vừa qua đời hồi cuối tháng 5.

Yuan Longping High-tech Agriculture được thành lập năm 1999 và có một cơ sở nghiên cứu ở Hải Nam. Công ty này đã phát triển thành công giống ngô biến đổi gen Ruifeng 125 có khả năng chống lại chất diệt cỏ và sâu bọ xuất hiện vào mùa thu. Tháng 4 vừa qua, Ruifeng 125 đã nhận được chứng nhận an toàn để trồng ở khu vực tây bắc của Trung Quốc.

Trung Quốc cởi trói cho các giống cây trồng biến đổi gen - Ảnh 2.

Giáo sư Viên Long Bình, người tiên phong nghiên cứu và phát triển các giống lúa lai ưu thế, cho năng suất cao ở Trung Quốc và thế giới. (Ảnh: Getty Images).

Năm ngoái, Yuan Longping High-tech Agriculture đã bắt tay cùng tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức để cải thiện năng suất lúa. Beijing Dabeinong Technology, một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, cũng đã nhận được chứng nhận an toàn cho một giống ngô khác.

Theo Nikkei, giấy chứng nhận an toàn cho thấy các cây trồng biến đổi gen không gây hại cho môi trường tự nhiên hoặc cho cơ thể con người mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Việc phê duyệt này mở ra cơ hội để doanh nghiệp tập trung nhân lực - vật lực để sản xuất và bán hạt giống cho nông dân.

Đội ngũ sản xuất và cơ sở nghiên cứu của doanh nghiệp bán hạt giống biến đổi gen sẽ được kiểm tra lần cuối bởi các thanh tra nhà nước Trung Quốc. Giống ngô Ruifeng 125 dự kiến sẽ được thương mại hóa như một loại thức ăn chăn nuôi vào đầu năm tới.

Thách thức đón chờ

Cho đến nay, chỉ có một lượng nhỏ cây trồng biến đổi gen, chẳng hạn như bông, được chính phủ Trung Quốc phê duyệt. Một yếu tổ cản trở tiến độ là ngành cung ứng hạt giống tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang trong giai đoạn sơ khai.

Các cơ quan nhà nước vẫn giữ vai trò trung tâm trong sản xuất và bán hạt giống. Chỉ đến năm 2000, doanh nghiệp tư nhân mới được tham gia lĩnh vực này. Do đó, chỉ một số công ty như Yuan Longping High-tech Agriculture và Beijing Dabeinong Technology là có khả năng phát triển hạt giống biến đổi gen.

Một trở ngại khác là người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng các sản phẩm biến đổi gen. Kể từ những năm 2000, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông quốc tế đã lên tiếng lo ngại rằng cây trồng biến đổi gen đang được sản xuất và phân phối ở Trung Quốc một cách bí mật.

Giữa lùm xùm đó, chính phủ Trung Quốc đã buộc phải thận trọng hơn trong việc cấp giấy chứng nhận cho các giống cây trồng hiện đại này.

Cởi trói cho sản phẩm biến đổi gen

Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong bối cảnh lo ngại về an ninh lương thực ngày càng tăng cao. Theo Nikkei, Trung Quốc là nước nhập khẩu hạt giống hàng đầu thế giới, đáng chú ý có lượng lớn lúa mì và hạt giống rau củ từ Mỹ, Nhật Bản, Đan Mạch,...

Năm ngoái, đất nước tỷ dân nhập khẩu 2,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 450 triệu USD) hạt giống hoa màu, gấp ba lần lượng xuất khẩu.

Để sản xuất thịt heo và gia cầm - hai nguồn protein chính của Trung Quốc, các cơ sở chăn nuôi nội địa cần rất nhiều thức ăn chăn nuôi. Nếu không cải thiện ngành nông nghiệp trong nước, Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc vào nguồn hạt giống và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, Nikkei giải thích.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần tạo lợi thế trong các cuộc chiến tranh thương mại. Ngày nay, các nước thường áp thuế quan cao hơn đối với cây trồng như một vũ khí trong tranh chấp, nhưng những biện pháp nào có nguy cơ làm tăng giá lương thực.

Nếu căng thẳng thương mại dẫn đến việc thu mua nông sản bị hạn chế, nhiều cơ sở chăn nuôi ở Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại, Nikkei nhấn mạnh.

Không chỉ trong nước mà Bắc Kinh còn tăng cường lĩnh vực kinh doanh hạt giống ở nước ngoài thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tháng 2 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra một đề xuất, trong đó khuyến khích doanh nghiệp hạt giống đẩy mạnh hoạt động ở các nước khác.

Khả Nhân