Trung Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các dự án đường sắt xuyên biên giới

Lễ khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: VGP).
Sáng 15/4, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc và thành lập Uỷ ban liên hợp hợp tác đường sắt Việt - Trung
Trước đó, chiều ngày 14/4, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã xem và nghe giới thiệu về 45 văn bản thoả thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước.
Trong đó, có 7 văn kiện quan trọng trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh ký kết với các đối tác của Trung Quốc bao gồm: hai văn kiện là điều ước quốc tế cấp Chính phủ, hai thoả thuận về vốn ODA giữa Chính phủ hai nước và ba thoả thuận cấp bộ.
Cụ thể, trong lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng đã ký 4 văn kiện. Các văn kiện này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc.
Các văn kiện bao gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng và Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về việc thành lập Uỷ ban liên hợp Hợp tác đường sắt Việt - Trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Biên bản làm việc giữa Bộ Xây dựng và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc (CIDCA) về khảo sát thực địa hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng của Việt Nam.
Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng tích cực thúc đẩy phía Trung Quốc thống nhất, hoàn tất thủ tục và ký kết Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tạo cơ sở để các cơ quan liên quan của hai nước phối hợp thúc đẩy các thủ tục nội bộ nhằm sớm khởi công dự án.
Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng đã ký ba văn kiện. Những văn kiện này sẽ đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc về kỹ thuật đường bộ, xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nghiên cứu các công nghệ mới, vật liệu mới, quản lý xây dựng, bảo trì,...
Ba văn kiện về đường bộ đã được Bộ trưởng Trần Hồng Minh ký bao gồm: Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về việc cùng xây dựng công trình giao thông qua biên giới khu vực cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo, Trung Quốc.
Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước về việc đơn giản hoá thủ tục xuất, nhập qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo, Trung Quốc cho nhân viên, phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng để cùng xây dựng công trình giao thông qua biên giới khu vực cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo, Trung Quốc.
Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật đường bộ giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc.
Trong đó, hai văn kiện về xây dựng công trình giao thông qua biên giới sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hai tỉnh Hà Giang của Việt Nam và Vân Nam của Trung Quốc triển khai đầu tư xây dựng công trình giao thông qua biên giới khu vực cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo, Trung Quốc.
Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km.
Tuyến có điểm đầu là điểm nối ray với Trung Quốc (TP Lào Cai), điểm cuối tại ga cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Dự án được đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm, vận chuyển chung hành khách, hàng hoá. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 203.231 tỷ đồng, tương đương khoảng 8,39 tỷ USD, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030.