Philippines: Tranh cãi đề xuất tăng thuế nhập khẩu gạo
Theo Inquirer, hôm 28/2, Ủy ban Thuế Philippines đã tổ chức phiên điều trần để xem xét đơn đề nghị của Tập đoàn công nghiệp Samahang Industriya ng Agrikultura (Sinag) về việc tái áp đặt thuế suất 35% đối với gạo nhập khẩu khi Tập đoàn này cho rằng mức thuế thấp như hiện nay không giúp kéo giảm giá bán lẻ gạo trên thị trường.
Trong bản kiến nghị trình lên Ủy ban Thuế, Sinag muốn chính phủ Philippines tái áp dụng thuế suất 35% đối với gạo nhập khẩu từ các nước ASEAN và 50% đối với gạo từ các nước khác.
Hồi tháng 3, Ủy ban Thuế Philippines đã tổ chức phiên điều trần để xem xét đơn đề nghị của Sinag về việc tái áp đặt mức thuế 35% đối với gạo nhập khẩu khi cho rằng chỉ một số ít các nhà nhập khẩu gạo – chứ không phải người tiêu dùng Philippines – được hưởng lợi từ mức thuế thấp 15% như hiện nay.
Đề xuất này đã dấy lên cuộc tranh cãi lớn giữa các doanh nghiệp, chuyên gia và hiệp hội trong ngành lúa gạo Philippines.
Theo Giám đốc điều hành Sinag, ông Jayson Cainglet, chỉ có nhà nhập khẩu gạo được hưởng lợi từ thuế suất thấp, trong khi người tiêu dùng và nông dân tiếp tục đối mặt với tình trạng giá lúa ở mức thấp trong khi giá bán lẻ gạo vẫn cao.
Ông Cainglet cũng tranh luận rằng Sắc lệnh 62 – quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống 15% - không hiệu quả trong việc hạ giá bán lẻ gạo. Đồng thời, ông cho rằng, việc giá bán lẻ gạo giảm là do Bộ Nông nghiệp can thiệp sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực cũng như áp mức giá bán lẻ tối đa (MSRP) đối với gạo nhập khẩu.
Trong khi đó, Liên đoàn Nông dân Tự do Philippines (FFF) hôm 26/3 cũng đề xuất áp dụng thuế suất theo mùa đối với gạo nhập khẩu để bảo vệ nông dân trong nước và kiểm soát lượng gạo nhập khẩu.
Trong phiên điều trần do Ủy ban Thuế Philippines tiến hành hôm 28/3, ông Leonardo Montemayor, Chủ tịch FFF, cho biết, “nếu có mức thuế suất theo mùa, chúng ta có thể áp mức thuế cao hơn vào thời điểm trước và trong những tháng đầu tiên của vụ thu hoạch, chứ không chỉ trong vụ thu hoạch”.
Ông Montemayor cũng cho rằng, biện pháp mà FFF đề xuất sẽ kiềm chế việc nhập khẩu gạo trong cao điểm vụ thu hoạch, diễn ra trong tháng 3-4.
“FFF đã nghiên cứu khi nào là thời điểm thích hợp, nhưng đó chỉ là ý tưởng. Sau vụ thu hoạch, thuế suất có thể trở lại mức ban đầu, do vậy, sẽ không ảnh hưởng xấu đến nông dân và người tiêu dùng”, ông Montemayor cho biết thêm.
Liên đoàn Nông dân Tự do Philippines (FFF) hôm 26/3 cũng cho rằng thuế nhập khẩu gạo ở mức thấp là nguyên nhân chính kéo giảm giá lúa trong vụ thu hoạch. “Giới thương nhân lúa gạo dự đoán giá gạo nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm, do vậy, họ sẽ mua lúa gạo của nông dân với giá thấp”, Chủ tịch FFF Leonardo Montemayor cho biết.
Sau khi Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. ký Sắc lệnh số 62 hồi tháng 6/2024 giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% xuống 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028, FFF đã thúc giục Bộ Nông nghiệp nước này giải quyết tình trạng giá lúa liên tục giảm, nhấn mạnh rằng Bộ này không nên phớt lờ các báo cáo về giá lúa gạo đang ở mức thấp.
Cũng đang có luồng ý kiến ủng hộ việc duy trì mức thuế 15% như hiện tại. Theo đó, các nhà kinh tế học tại Tổ chức Tự do Kinh tế (FEF) đang thúc giục chính phủ Philippines duy trì mức thuế 15% đối với gạo nhập khẩu, cảnh báo rằng việc nâng thuế có thể đẩy tăng giá bán lẻ gạo, làm đứt gãy nguồn cung nội địa và ảnh hưởng xấu đến vị thế của Philippines trên thị trường gạo toàn cầu.
Trong bản kiến nghị mới nhất, FEF nêu rõ “Việc tái áp mức thuế 35% có thể sẽ xóa bỏ mọi thành tựu đã đạt được từ giữa năm 2024”.
Tuy nhiên, FEF phản biện rằng thị trường gạo Philippines đã có nhiều tiến triển tốt kể từ ngày 20/6/2024 khi Tổng thống Marcos ký Sắc lệnh 62 giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, kể cả gạo. Thuế nhập khẩu nhập khẩu gạo giảm từ mức 35% xuống 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028.
FEF lưu ý rằng giá bán lẻ gạo đã giảm bình quân 7,5% kể từ thời điểm giảm thuế nhập khẩu hồi tháng 6 năm ngoái, giúp người dân tiết kiệm 3,84 peso/kg.
Việc giá gạo giảm đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhất là hộ gia đình nghèo khi gạo chiếm đến 20% tổng chi tiêu cho lương thực thực phẩm.
Trong văn bản kiến nghị, ông Calixto Chikiamco, chủ tịch FEF, nêu rõ “trong một quốc gia nơi áp lực lạm phát lương thực đè nặng lên ngân sách của hộ gia đình, chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá tiêu dùng”.
FEF cho biết thêm, những bất ổn về chính sách như đột ngột thay đổi về thuế suất, có thể làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu và gây ra tình trạng đầu cơ và thổi giá.
“Duy trì thuế nhập khẩu gạo ở 15% không chỉ đảm bảo khả năng chi trả mà còn hỗ trợ khả năng đoán định thị trường, khuyến khích hoạt động nhập khẩu lành mạnh và cải thiện lòng tin của nhà bán lẻ cũng như người tiêu dùng” FEF nhấn mạnh.
Từ quan điểm khu vực, FEF cho rằng Philippines nên duy trì thuế suất ổn định và hài hòa để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường gạo ASEAN vốn đang chịu sự chi phối của mối quan hệ cung cấp dài hạn và nhà thầu phản ứng nhanh.
Việc tái áp đặt mức thuế cao hơn sẽ gửi đi thông điệp về bảo hộ, gây trở ngại cho hoạt động hợp tác thương mại khu vực về nông sản, FEF cho biết thêm.
Mặc dù thuế nhập khẩu gạo của Philippines không hoàn toàn tuân thủ theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – hiệp định luôn tạo điều kiện thuận lợi cho luồng hàng hóa hông qua việc cắt giảm thuế suất – nhưng các nước ASEAN luôn ưu tiên giảm thiểu rào cản thương mại và đảm bảo chuỗi cung ứng của khu vực không bị gián đoạn.
FEF cũng lưu ý rằng các nước thành viên ASEAN khác, kể cả Malaysia, Indonesia và Singapore, đã giải quyết tình trạng lạm phát gạo trong những năm gần đây bằng việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu hoặc áp dụng các chính sách tự do hóa tạm thời nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận giá gạo ở mức phù hợp.
Hơn nữa, sự phụ thuộc lớn vào hạn ngạch nhập khẩu và thuế suất ở mức cao về mặt lịch sử luôn gây ra tình trạng khan hàng và đẩy tăng lạm phát, như đã từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 và giá gạo tăng phi mã năm 2018.