Trợ cấp xuất khẩu đường của Ấn Độ bị cho là vi phạm quy tắc của WTO
Các nước xuất khẩu đường phản đối chính sách trợ cấp ngành đường Ấn Độ
Động thái phản đối chính sách trợ cấp ngành đường của Ấn Độ do Australia và Brazil khởi xướng tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã dấy lên sự quan tâm lớn giữa các nước xuất khẩu đường gồm Guatemala, Costa Rica, EU và Thái Lan khi các quốc gia này yêu cầu tham gia vào các cuộc đối thoại chính thức .
Australia và Brazil cho rằng khoản trợ cấp của Ấn Độ cho cả nhà sản xuất và xuất khẩu đường đang làm gián đoạn quy trình sản xuất và giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới. Trong trường hợp cuộc đối thoại giữa các nước không thành công, hai bên có thể thành lập Hội đồng giải quyết tranh chấp để quyết định tính hợp lệ của các khoản trợ cấp.
Thái Lan là nước được hưởng lợi ích thương mại đáng kể trong các cuộc đối thoại này. Năm 2018, Thái Lan là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 2,59 tỉ USD.
Phản đối từ EU
Văn bản của EU trình lên WTO đã chỉ ra rằng sau khi điều chỉnh hạn ngạch sản xuất đường, EU đã trở thành nhà xuất khẩu đường với sản lượng xuất khẩu tăng 70% lên hơn 3 triệu tấn trong năm tài chính 2017 - 2018. Với sản lượng đường xuất khẩu sang Ấn Độ tăng hơn 10 lần trong giai đoạn 2017 - 2018 so với mức trung bình của 2 năm trước đó, EU có tiềm năng trở thành nhà cung cấp chính cho Ấn Độ.
Trong cuộc thảo luận được tổ chức bởi Ủy ban Nông nghiệp, trước khi Australia và Brazil bắt đầu có động thái phản đối, Ấn Độ bảo vệ lập trường của mình bằng cách cho rằng hầu hết khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất đường được cho phép theo qui định của WTO. Các khoản trợ cấp cho xuất khẩu nhằm mục đích thúc đẩy thương mại, điều này cũng được WTO cho phép.
Australia và Brazil đã bác bỏ lập luận của Ấn Độ và cho rằng hầu hết các khoản trợ cấp đã vi phạm các qui tắc của WTO, nó vượt quá mức qui định 10% đối với sản phẩm đường.
Ngoài ra, một số ý kiến trái chiều cũng cho rằng các khoản trợ cấp như trợ cấp xuất khẩu cho ngành đường, hỗ trợ xuất khẩu (đối với đường thô) và vận chuyển hàng hóa không phù hợp với Hiệp định về Nông nghiệp vì đó dường như là trợ cấp xuất khẩu.
Giá mía trả cho người dân ở Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi, từ 1.391,2 rupee/tấn trong năm 2010 - 2011 lên 2.750 rupee/tấn trong năm 2018 - 2019. Hạn ngạch xuất khẩu của các nhà máy tăng từ 2 triệu tấn trong năm 2017 - 2018 lên 5 triệu tấn trong năm 2018 - 2019, tạo áp lực đáng kể lên giá thị trường thế giới, theo báo cáo của Brazil trình lên Cơ quan giải quyết tranh chấp.
Guatemala và Costa Rica cũng đứng lên phản đối lại chính sách của Ấn Độ khi yêu cầu tham gia vào cuộc đối thoại với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu đường lớn.