[Báo cáo] Thị trường đường tháng 2/2023: Nguồn cung từ Ấn Độ sụt giảm giúp giá đường duy trì mức cao
Tính từ đầu niên vụ 2022-2023 đến hết tháng 2, sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil đạt gần 33,5 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong khi đó, tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil, sản lượng đường thấp hơn ước tính có thể ngăn nước này xuất khẩu thêm, điều này có khả năng hỗ trợ giá toàn cầu và giúp các đối thủ Brazil và Thái Lan tăng xuất khẩu.
Về giá cả, trong tháng 2, giá đường thô trung bình lên 20,23 USD cents/lb, cao nhất trong 6 năm gần đây, còn đường trắng ở mức 560,46 USD/tấn, tiếp tục tăng so với mức đạt được trong tháng trước.
Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thặng dư mặt hàng đường sẽ đạt khoảng 4,1 triệu tấn, giảm so với mức 6,2 triệu tấn trong báo cáo trước đó. Cụ thể, sản lượng dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 180,4 triệu tấn, tăng từ 172,5 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022 mặc dù thấp hơn ước tính của tháng 11 là 182 triệu tấn. Trong khi đó, mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng lên 176,3 triệu tấn, tăng từ 174,7 triệu tấn trong mùa trước và 169,7 triệu tấn trong năm 2019-2020.
Tại Việt Nam, thị trường đường sau tết nguyên đán Quý Mão với sức cầu rất thấp trong khi nguồn cung đường dồi dào bao gồm đường nhập khẩu thuộc hạn ngạch 2022 bổ sung, đường lẩn tránh phòng vệ thương mại từ Indonesia và đường nhập lậu có xuất xứ Thái Lan từ Lào và Campuchia qua biên giới Tây Nam. Các nguồn cung này cộng với đường từ vụ ép 2022-2023 khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung và ép giá đường Việt Nam xuống mức thấp nhất so với các quốc gia lân cận.
Giá đường trên thị trường cũng thấp hơn giá thành sản xuất, vì giá mua mía của các nhà máy đã ở mức cao nhất so với giá mua mía trong khu vực.
Xem chi tiết báo cáo thị trường đường tháng 2/2023 tại đây: