Trợ cấp nông nghiệp - trở ngại đối với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ
Trợ cấp nông nghiệp là rào cản lớn cho Trung Quốc trong đàm phán thương mại. (Ảnh: South China Morning Post)
Câu chuyện về trợ cấp nông nghiệp của nông dân vùng tự trị của Trung Quốc
Đối với bà Han Yahui tại thị trấn nông nghiệp Ulanhot ở Nội Mông Cổ, việc Trung Quốc nhập khẩu đậu nành vào cuối những năm 1990 là một điềm báo cho những gì sắp xảy ra.
"Tôi đã chứng kiến ngành công nghiệp của chúng tôi [gần như] sụp đổ vì đậu nành nhập khẩu giá rẻ", bà Han nói.
Bà Han Yahui hiện điều hành một hợp tác xã nông nghiệp chuyên canh tác lúa mì, đậu nành và lúa hữu cơ trên diện tích 133 ha ở phía đông bắc Trung Quốc. Bà là một trong 200 triệu nông dân ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ và các viện trợ khác để mua thiết bị nông nghiệp và sản xuất cây trồng chiến lược.
Chẳng hạn, hợp tác xã của bà Han nhận được 300 nhân dân tệ (tương đương 43,50 USD) trợ cấp hàng năm từ chính phủ cho 666 m2 đậu nành họ trồng.
Mỹ gây sức ép để Trung Quốc giảm hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp
"Trợ cấp của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc trang trải chi phí lao động của chúng tôi", bà nói. "Trợ cấp đảm bảo chúng tôi sẽ không mất tiền. Tôi không muốn nông dân lâm vào cảnh trắng tay sau một năm làm việc chăm chỉ. Sau tất cả, nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính cho những người sống ở khu vực nông thôn Trung Quốc hiện nay".
Theo South China Morning Post, phát triển nhanh và trợ cấp nông nghiệp là một trong những mục tiêu Mỹ nhắm đến trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc bởi Washington đang gây sức ép buộc Bắc Kinh giảm hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh chấp nhận những yêu cầu trên, mục đích đảm bảo nguồn cung thực phẩm và ổn định xã hội của Trung Quốc tại khu vực nông thôn sẽ gặp nguy.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới nhất tại Washington trong tháng 5 đã thất bại.
Washington cho rằng Bắc Kinh từ bỏ lời hứa và tăng thuế quan đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 20%, khơi mào lại cuộc chiến thuế quan mà nhiều người tưởng đã sắp kết thúc.
Trung Quốc cũng trả đũa bằng cách áp thuế quan lên 60 tỉ USD nông sản Mỹ mà nước này vốn là khách hàng chính.
Trợ cấp nông nghiệp là một trong hai vấn đề còn vướng mắt trong đàm phán thương mại?
Không rõ vấn đề mà hai bên còn vướng mắc trong đàm phán là gì, tuy nhiên các nguồn thạo tin cho hay bất đồng về bảo vệ sở hữu trí tuệ và trợ cấp của Trung Quốc cho ngành công nghiệp nước này là điểm mấu chốt.
Trong nông nghiệp, Mỹ đã thúc ép Trung Quốc giảm hỗ trợ giá lúa mì, ngô và các sản phẩm chính khác - đây là những nông sản mà nông dân Trung Quốc dựa vào để duy trì hoạt động.
Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã tự do hóa thị trường nông sản và mở cửa cho hàng nhập khẩu, Bắc Kinh có thể cảm thấy Mỹ đang thúc ép họ làm quá nhiều và quá nhanh.
Trong quá trình chuyển đổi đất nước thành một cường quốc công nghiệp và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong vài thập kỉ qua, Trung Quốc - tương tự nhiều nước công nghiệp khác - đã đi từ tìm kiếm nguồn thu quốc gia bằng việc đánh thuế nông nghiệp sang tăng trợ cấp cho nông dân.
Trung Quốc muốn hỗ trợ giá, Mỹ từ lâu nhận thấy biện pháp này không hiệu quả
Hiện nay, Trung Quốc đưa ra nhiều loại trợ cấp cho ngành nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ giá (chính phủ mua một số cây trồng cụ thể như ngô và lúa mì khi giá giảm xuống mức nhất định).
Hỗ trợ giảm sẽ cho phép nông dân Mỹ xuất khẩu nhiều nông sản sang Trung Quốc hơn. Washington đã yêu cầu rõ ràng rằng Bắc Kinh nên chấm dứt hành vi trợ cấp không công bằng cho nông dân và tăng hạn ngạch để nhập khẩu nhiều nông sản nước ngoài hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần đề nghị Trung Quốc mua thêm sản phẩm từ nông dân Mỹ, với hi vọng giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Mỹ xem nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thể tăng tương đối dễ dàng.
Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng với nguồn đất đai, nước và các tài nguyên thiên nhiên hạn chế, nước này phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
"Nếu chỉ là việc mua thêm hàng hóa từ Mỹ, Trung Quốc có thể thực hiện được", một nguồn tin Trung Quốc quen thuộc với các cuộc đàm phán thương mại cho hay.
"Tuy nhiên, phía Mỹ đang cố gắng buộc Trung Quốc từ bỏ trợ cấp cho nông nghiệp hoàn toàn. Điều này là không thể và không cần thiết. Nó không thể vì một quốc gia có qui mô dân số lớn như Trung Quốc không thể từ bỏ vấn đề an ninh lương thực".
Washington từ lâu đã thấy chính sách hỗ trợ giá thị trường là không hiệu quả, cựu quan chức phụ trách đàm phán thương mại dưới thời nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay.
"Tôi không bất ngờ nếu Mỹ đang thực sự thúc ép Trung Quốc chuyển từ hỗ trợ giá sang một hình thức hỗ trợ khác", ông nói. "Và tôi cũng chẳng bất ngờ thêm nữa nếu Trung Quốc yêu cầu một khoảng thời gian đáng kể để biến điều đó thành hiện thực".
Để đáp lại áp lực từ phía Mỹ, Trung Quốc đã đẩy mạnh sản xuất trong nước một số nông sản bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. Đồng thời, tháng 3 vừa qua, Trung Quốc cũng tăng giá thanh toán cho nông dân trồng ngô, trong khi vẫn duy trì trợ cấp lớn cho đậu nành.
Mặc dù Bắc Kinh và Washington có khả năng đạt được thỏa thuận, theo đó Trung Quốc sẽ mua nhiều nông sản Mỹ hơn và từ từ giảm kiểm soát lên ngành nông nghiệp, vấn đề việc làm và an ninh lương thực vẫn có thể "làm hỏng" các cuộc đàm phán thương mại.
"Trung Quốc cần phải duy trì sự ổn định và thịnh vượng cho khu vực nông thôn nhưng đồng thời, họ cũng cần cải thiện hiệu quả ngành nông nghiệp", ông Vetter nói. "Đây là căng thẳng thường trực mà các cơ quan nông nghiệp Trung Quốc đang cố gắng giải quyết".
Hiện nay, những người nông dân như bà Han hi vọng chính phủ Trung Quốc sẽ đứng vững và không nhượng bộ yêu cầu của Washington.