|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người trồng đậu nành Brazil dễ dàng 'nuốt trọn' lợi ích khổng lồ từ chiến tranh thương mại?

15:46 | 20/05/2019
Chia sẻ
Luôn có người thắng, kẻ thua trong bất kì cuộc tranh chấp nào, và người trồng đậu nành Brazil là một ví dụ điển hình cho người giành chiến thắng lớn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, nông dân trồng đậu nành Brazil đã làm tốt quá mức, khiến họ có thể trở thành nạn nhân của chính thành công của mình. 

Sau khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gần 1/3 vào năm ngoái để lấp đầy khoảng trống đậu nành nhập khẩu từ Mỹ để lại, người trồng đậu nành của quốc gia Nam Mỹ có thể gặp khó khăn để duy trì nguồn cung tương tự, theo Igor Brandao, người đứng đầu phòng kinh doanh nông nghiệp của Apex - Brasil, theo South China Morning Post.

Thời tiết khiến sản lượng đậu nành dự báo giảm

"Vụ thu hoạch năm nay được dự báo sẽ thấp hơn năm ngoái. Vấn đề nằm ở điều kiện thời tiết, vì mùa khô dự kiến sẽ dài hơn trong năm nay", ông Brandao cho biết. 

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho hay sản lượng đậu nành năm mùa vụ 2018 - 2019 của Brazil dự báo giảm còn 113,6 triệu tấn. 

Mặc dù, diện tích gieo trồng ước tính đạt kỉ lục 36 triệu ha, năng suất dự kiến giảm còn 3,16 triệu tấn/ha, giảm từ mức cao chưa từng thấy trong lịch sử là 3,4 triệu tấn/ha trong mùa vụ trước.

Ông Brandao nhận định Brazilm, nhà cung cấp đậu nành lớn nhất cho Trung Quốc, sẽ làm hết sức có thể để tăng sản lượng, theo đó đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Brazil đã trở thành người hưởng lợi lớn trong cuộc chiến thương mại, khi thuế quan đánh lên đậu nành Mỹ khiến người mua Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu từ nơi khác. 

Trung Quốc, là nhà tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới, nhập khẩu 88 triệu tấn hạt chứa dầu trong năm 2018, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Bắc Kinh áp thuế quan trả đũa 25% lên đậu nành Mỹ vào tháng 7/2018. Hai Bên tạm ngừng đánh thuế trong tháng 12 năm ngoái sau khi đạt được thỏa thuận đình chiến, nhưng đã quá muộn để đảo ngược sự sụt giảm của hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc đối với đậu nành Mỹ. 

Khoảng 66,1 triệu tấn đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái đến từ Brazil, chiếm 75% tổng nhập khẩu của quốc gia châu Á và tăng 30% so với năm trước đó. 

Trong khi, Mỹ cung cấp 16,6 triệu tấn đậu nành, giảm 49% so với một năm trước, vì tranh chấp thương mại giữa hai quốc gia. 

Người trồng đậu nành Brazil dễ dàng nuốt trọn lợi ích khổng lồ từ chiến tranh thương mại? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Dịch tả heo châu Phi (ASF) khiến nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đi xuống

Đậu nành là nguồn protein chính cho thức ăn chăn nuôi động vật và dầu có thể ăn tại Trung Quốc. 

Tuy nhiên, dịch ASF đang tàn phá đàn heo khổng lồ tại quốc gia châu Á, khiến người chăn nuôi không dám tái đàn, từ đó giảm nhu cầu nhập khẩu đối với đậu nành và ngô chắn chắn sẽ giảm. Ước tính gần 200 triệu con heo đã bị tiêu hủy vì dịch ASF. 

Đây cũng là nhận định của Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil, bà Tereza Cristina Dias.

Người trồng đậu nành Brazil dễ dàng nuốt trọn lợi ích khổng lồ từ chiến tranh thương mại? - Ảnh 2.

Thiệt hại về thương mại đậu nành vì dịch ASF tại Trung Quốc. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu đậu nành từ Trung Quốc có thể giảm tới 42% cho tới năm 2019 - 2020. Nguồn: USDA.

Tập đoàn thống kê nông nghiệp Brazil Conab ước tính tổng khối lượng xuất khẩu đậu nành của Brazil giảm xuống 70 triệu tấn.

Đa dạng hàng hóa thương mại

Mỹ lần nữa đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc hôm 10/5. Sau đó 2 ngày, Trung Quốc áp thuế trả đũa lên hơn 5.000 sản phẩm nhập khẩu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo cơ hội cho các quốc gia như Brazil, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. 

"Chúng tôi đã chuẩn bị tận dụng lợi thế của chiến tranh thương mại để tăng thương mại với Trung Quốc và hơn thế xây dựng mối quan hệ thương mại", ông Brandao trả lời phóng viên bên lề sự kiện thương mại lớn của ngành kinh doanh nông nghiệp SIAL Trung Quốc.

"Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ phụ thuộc vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây".

Ông Brandao cho biết Brazil đang tìm cách đa dạng hóa xuất khẩu nông nghiệp sang Trung Quốc với sản phẩm thịt chế biến là phân khúc trọng tâm.

Hiện tại, đậu nành, bông và ngô chiếm 70% tổng xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ, trị giá khoảng 36 tỉ USD, sang Trung Quốc. 

Trong 10 - 12 năm, sản phẩm thực phẩm chế biến được dự đoán chiếm 40 - 50% xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc.

Quốc gia lớn nhất Nam Mỹ đã bán 1,5 tỉ USD sản phẩm thịt chế biến sang Mỹ vào năm ngoái, tăng 60% so với 2017. Khối lượng xuất khẩu dự kiến tiếp tục tăng trong năm nay, có thể hơn 2 tỉ USD. 

Lyly Cao