Chiến tranh công nghệ lan sang lĩnh vực khoa học: Cộng đồng khoa học lớn nhất thế giới cấm nhân viên Huawei bình duyệt các nghiên cứu
Viện Kĩ sư Điện và Điện tử (IEEE) được xem là lớn nhất thế giới hiện nay đã vừa thông báo cấm các nhân viên của Huawei chỉnh sửa, xem xét các tài liệu của tổ chức này. (Nguồn: AP)
Viện Kĩ sư Điện và Điện tử (IEEE) được xem là lớn nhất thế giới hiện nay đã vừa thông báo cấm các nhân viên của Huawei chỉnh sửa, xem xét các tài liệu của tổ chức này. (Nguồn: AP)
Nỗ lực cấm cản Huawei mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu khoa học
Nỗ lực giảm mức độ ảnh hưởng của Huawei - nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, do Chính phủ Mỹ thực hiện đã vượt ra ngoài phạm vi kinh doanh và mở rộng sang nghiên cứu khoa học.
Sự leo thang này diễn ra khi Viện Kĩ sư Điện và Điện tử (IEEE, có trụ sở tại New York) cấm nhân viên Huawei đánh giá hoặc biên tập nghiên cứu của tạp chí sau khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bị thêm vào danh sách đen của Mỹ.
Quyết định của IEEE, tổ chức kĩ thuật chuyên nghiệp lớn nhất thế giới, đã bị rò rỉ trên mạng xã hội Trung Quốc vào hôm 29/5, dẫn đến phản ứng dữ dội từ một số nhà khoa học hàng đầu của đất nước tỉ dân. Họ cho rằng động thái này là phản khoa học và vi phạm tự do học thuật.
Phản ứng từ giáo sư Đại học Bắc Kinh và cộng đồng mạng Trung Quốc
Bà Zhang Haixia, giáo sư của Viện Vi Điện tử tại Đại học Bắc Kinh, đã tuyên bố trên tài khoản WeChat vào hôm 29/5 rằng bà sẽ rời khỏi IEEE vì quyết định này "đã đi quá xa ranh giới cơ bản của khoa học và công nghệ" và thách thức tính toàn vẹn về chuyên môn của bà.
"Là một giáo sư, tôi không chấp nhận điều này", bà Zhang viết trong một bức thư công khai gửi đến ông Toshio Fukuda, Chủ tịch mới mới được bầu của IEEE.
Lá thư từ chức của bà Zhang đã được xem hơn 40.000 lần kể từ khi nó được đăng lên mạng. Đa phần cộng đồng mạng đều kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc tẩy chay IEEE.
Lời trần tình của tổ chức khoa học công nghệ lớn nhất thế giới
Trong một tuyên bố vào ngày 30/5, IEEE cho biết họ phải tuân thủ các qui định pháp lí theo luật pháp Mỹ cũng như các bên liên quan. Đồng thời, việc tuân thủ này giúp "bảo vệ IEEE, các tình nguyện viên và thành viên của tổ chức".
Họ cho biết nhân viên của Huawei chỉ bị cấm trong quá trình đánh giá và biên tập nhưng có thể tiếp tục tham gia với tư cách thành viên cá nhân hoặc thành viên doanh nghiệp, được hưởng quyền bỏ phiếu và tham gia vào nhiều hoạt động khác, bao gồm việc gửi các nghiên cứu kĩ thuật để xuất bản.
Huawei cho biết họ không có bình luận gì về lệnh cấm trên.
Vấn đề giữa Huawei và IEEE xuất hiện trong bối cảnh chiến tranh công nghệ giữa hai nền kinh lớn nhất thế giới đang gia tăng. Gần đây, cuộc chiến tiếp tục leo thang sau khi Chính phủ Mỹ thêm Huawei và các chi nhánh vào Danh sách Thực thể vào ngày 16/5.
Nằm trong danh sách này đồng nghĩa với việc tập đoàn công nghệ Trung Quốc bị cấm mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung ứng công nghệ cao của Mỹ mà không có sự thông qua của chính quyền Tổng thống Trump.
Một loạt các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Microsoft, Intel và Qualcomm đã đình chỉ thỏa thuận giữa họ với Huawei để tuân thủ lệnh cấm thương mại của Mỹ.
Danh sách Thực thể hay danh sách đen, được duy trì bởi Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ, xác định các tổ chức hoặc cá nhân được cho là có liên quan hoặc có nguy cơ tham gia vào các hoạt động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Hiện không có số liệu chính thức về số lượng thành viên IEEE tại Trung Quốc Đại Lục. Các số liệu công khai trên mạng cho thấy ít nhất 80 nhân viên của Huawei là thành viên của IEEE.
Trong một tuyên bố vào ngày 16/5, IEEE cho biết với tư cách là một tổ chức được thành lập tại New York, họ phải tuân thủ nghĩa vụ pháp lí theo luật pháp Mỹ. Lệnh hạn chế xuất khẩu của Chính phủ Mỹ không chỉ bao gồm hàng hóa và phần mềm mà còn về thông tin kĩ thuật.
Là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào tháng 1/1963, IEEE có hơn 422.000 thành viên trên hơn 160 quốc gia tính đến ngày 31/12/2018. Hơn 50% thành viên có chuyên môn về khoa học máy tính và điện tử, kĩ sư và cá ngành liên quan đến từ các nước khác.
IEE đã xuất bản khoảng 200 tạp chí và tờ báo cũng như tài trợ cho hơn 1.900 hội nghị tại 103 quốc gia.