Huawei muốn sửa luật của Mỹ, cáo buộc Quốc hội Mỹ vi phạm hiến pháp
Tháng 3 năm nay, Huawei đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ, cáo buộc một đạo luật với qui định cấm các cơ quan nhà nước của Mỹ mua thiết bị của Huawei là trái với hiến pháp.
Vụ kiện này tập trung vào một đoạn trong Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA). Cụ thể, Điều 889 của Luật này cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua thiết bị viễn thông từ hai doanh nghiệp Trung Quốc là Huawei và ZTE. (Cả Huawei và ZTE đều bị "chỉ mặt gọi tên" rõ ràng trong Luật).
Hôm qua 28/5, Huawei đã nộp Đơn kiến nghị Phân xử Tóm lược (motion for summary judgement) lên Tòa án Quận Đông Texas, yêu cầu Tòa xem xét lại luật pháp của Mỹ - cụ thể là Luật NDAA và Hiến pháp – chứ chưa đánh giá các tình tiết gây tranh cãi trong thực tế.
Tòa án Quận Đông Texas đã lên lịch một buổi điều trần vào ngày 19/9 và có thể sẽ mất một vài tháng để Tòa án đưa ra quyết định về Đơn kiến nghị của Huawei.
Mục đích của Huawei khi thực hiện bước đi này là đẩy nhanh quá trình xét xử. Nếu Tòa tuyên có lợi cho tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc này, một phiên xét xử toàn diện, đầy đủ sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, các luật sư của chính phủ Mỹ có thể yêu cầu Tòa án bác bỏ Đơn kiến nghị của Huawei.
Cuộc họp báo do Huawei tổ chức hồi tháng 3 năm nay, công bố quyết định khởi kiện nước Mỹ. Ảnh: CNN.
Huawei muốn gì?
Tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang tìm cách xóa bỏ Điều 889 trong Luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA. Về lí thuyết, có thể loại bỏ một phần trong luật mà không phải bỏ hết cả luật.
Huawei cho rằng Điều 889 này nêu rõ tên của Huawei đồng thời đưa ra kết luận rằng tập đoàn Trung Quốc này có tội và ra quyết định trừng phạt mà không trải qua qui trình pháp lí đầy đủ. Đây là hành vi vi hiến (vi phạm hiến pháp), Huawei nhận định.
Các luật sư của tập đoàn này cũng cho rằng Điều 889 vi hiến còn bởi Huawei không biết cụ thể những bằng chứng chống lại mình là gì và không thể phản biện trước tòa.
Trong bài viết trên báo Wall Street Journal ngày thứ Hai tuần này (27/5), ông Song Liuping, Giám đốc pháp lý của Huawei, nhận định: "Luật Ủy quyền Quốc phòng đã xác định một cách trực tiếp và chắc chắn rằng Huawei có tội mà không cho công ty này cơ hội được phản bác hay thoát tội", do đó điều luật này là sự vi phạm với chuẩn mực của qui trình pháp lí.
Theo Huawei, "Quốc hội Mỹ đã vi hiến khi một lúc đảm nhiệm luôn ba vai: thẩm phán, bồi thẩm đoàn và người hành quyết" khi đưa Điều 889 vào trong Luật, kết luận Huawei có tội và cấm Huawei bán thiết bị cho chính phủ Mỹ.
Trên trang web và Facebook chính thức của mình ngày hôm nay 29/5, Huawei cho biết:
Việc cấm Huawei vì vấn đề an ninh mạng như một cái cớ "sẽ không có gì đảm bảo các hệ thống mạng sẽ an toàn hơn. Họ mang đến một cảm giác an toàn sai lầm và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những thách thức thực sự mà chúng ta phải đối mặt", ông Song Liuping, Giám đốc pháp lý của Huawei, nói. "Các chính trị gia của Hoa Kỳ đang sử dụng sức mạnh của cả một quốc gia để đe dọa một công ty tư nhân", ông Song lưu ý. "Đây không phải là điều bình thường. Hầu như chưa từng thấy trong lịch sử".
Tuyên bố chính thức từ phía Huawei. Ảnh chụp màn hình.