|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ẩn số 'ông trùm' công nghệ khiến Huawei lao đao

12:03 | 30/05/2019
Chia sẻ
Trước khi Tập đoàn ARM, dưới quyền tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son, tung đòn “sấm sét” khiến Tập đoàn công nghệ Huawei lao đao, thì có không ít diễn biến “trùng hợp” giữa ông và chính quyền Mỹ.
Ẩn số ông trùm công nghệ khiến Huawei lao đao - Ảnh 1.

Nhà tài phiệt Son đưa Tập đoàn Softbank thành một đế chế đầy ảnh hưởng. ẢNH: BLOOMBERG

Tung đòn choáng váng

Ngày 29.5, nhà mạng Softbank (Nhật), cũng do tỉ phú Masayoshi Son kiểm soát, tuyên bố chọn Nokia và Ericsson làm nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng 5G. Điều này đồng nghĩa với việc Huawei chính thức mất đi một khách hàng cực kỳ quan trọng là Softbank.

Hơn 10 ngày qua, sau khi bị Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định trừng phạt, tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei bị một loạt đối tác đình chỉ hợp tác. Mở màn là việc Google tạm ngưng cung cấp phần cứng và phần mềm (bao gồm kho ứng dụng Play Store cùng các ứng dụng phổ biến độc quyền như Gmail, YouTube... trên hệ điều hành Android).

Tuy nhiên, theo một số công ty nghiên cứu thị trường, “đòn đánh” này chỉ mới gây ảnh hưởng khoảng 50% doanh số smartphone của Huawei ở nước ngoài, vì 50% doanh số còn lại nằm ở thị trường Trung Quốc đại lục không bị ảnh hưởng do chính quyền sở tại từ lâu đã chặn truy cập các ứng dụng trên. Tương tự, khi một loạt tên tuổi khác của ngành bán dẫn, sản xuất chip như Qualcomm, Broadcom... “nghỉ chơi” với Huawei thì vẫn chưa là “đòn triệt hạ”. Bởi Huawei đã tự phát triển nhiều loại chip, nổi bật là chip xử lý Kirin.

Thế nhưng, đến khi Tập đoàn ARM chuyên cung cấp thiết kế chip tạm ngưng hợp tác với Huawei thì đã trở thành một “đòn sấm sét” đe dọa đến sự sống còn mảng smartphone của Huawei. Bởi các loại chip như Kirin vẫn phải dựa trên nền tảng của ARM. Quyết định của ARM có thể được hiểu là tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son, người nắm quyền kiểm soát ARM, chính thức ủng hộ chính quyền Mỹ trừng phạt Huawei.

Dích dắc quan hệ với Huawei

Không trực tiếp tham gia đầu tư, nhưng Softbank của tỉ phú Masayoshi Son lại có quan hệ hợp tác với Huawei khá khăng khít. Ngay cả trong bối cảnh từ sau năm 2012, khi chính phủ Mỹ bắt đầu cảnh báo và có những biện pháp phòng ngừa Huawei, thì Softbank vẫn nối tiếp các chương trình hợp tác với đối tác Trung Quốc. Softbank đã dùng không ít thiết bị của Huawei trên hạ tầng mạng 4G.

Năm 2017, Huawei và Softbank cùng phối hợp thực hiện màn trình diễn công nghệ 5G bằng trận khúc côn cầu trên băng giữa người và robot. Theo Bloomberg, sự kiện này diễn ra tại Tokyo (Nhật) mang ý nghĩa thể hiện mối quan hệ hợp tác khắng khít giữa Softbank và Huawei. Tháng 7.2017, Softbank phát đi thông cáo báo chí cho hay đang có một loạt hợp tác với Huawei về 5G.

Cùng năm 2017, Softbank vốn dĩ đã nắm quyền kiểm soát nhà mạng di động Sprint (Mỹ) và đang có ý định sáp nhập nhà mạng này với nhà mạng T-Mobile cũng ở Mỹ thông qua thương vụ trị giá 26 tỉ USD. Quyền kiểm soát T-Mobile đang thuộc về Tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom (Đức).

Theo Bloomberg, công ty mới sau sáp nhập giữa Sprint và T-Mobile có 42% cổ phần thuộc về Deutsche Telekom, còn Softbank nắm giữ 27% cổ phần. Cả Softbank và Deutsche Telekom luôn khẳng định tuân thủ các điều khoản của chính quyền Washington, không sử dụng thiết bị của Huawei cho các nhà mạng mà họ quản lý tại Mỹ. Nhưng ở một chừng mực nào đó, thì đây cũng là một cơ sở cần cẩn trọng.

Bên cạnh đó, Sprint và T-Mobile lần lượt nắm thị phần lớn thứ 3 và thứ 4 tại xứ sở cờ hoa, nên chính quyền Mỹ có quyền xem xét thỏa thuận sáp nhập, trước hết đảm bảo không vi phạm đạo luật chống độc quyền. Và việc xem xét này kéo dài trong năm 2018 mà gần như không có tín hiệu khả quan.

Giữa bối cảnh đó, ngày 13.12.2018, Hãng tin Nikkei đưa tin Softbank bất ngờ công bố sẽ thay thế các thiết bị Huawei trên hạ tầng 4G mà nhà mạng này đang sử dụng. Đến ngày 15.12.2018, Reuters dẫn một số nguồn tin ẩn danh khẳng định việc Softbank và Deutsche Telekom có quan hệ với Huawei chính là “hòn đá tảng” khiến chính quyền Washington không thông qua thương vụ sáp nhập Sprint và T-Mobile. Đến nay, thương vụ này vẫn bị chính phủ Mỹ “treo lơ lửng”.

Thân cận với Cooley - “sợi dây nối kết”

Tổng thống Trump Không chỉ gặp tình thế khó xử với chính quyền Mỹ quanh thương vụ sáp nhập Sprint và T-Mobile, tài phiệt Masayoshi lại có những sợ dây liên kết “vô hình” với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước hết, đó là nhiều dự án đầu tư của Softbank được tư vấn bởi công ty luật lẫy lừng mang tên Cooley, có trụ sở chính đặt tại bang California (Mỹ). Một loạt nhân sự cấp cao phụ trách đầu tư cho Softbank hiện nay cũng từng là những chuyên gia hàng đầu của Cooley. Điều này được thể hiện công khai tại tài khoản LinkedIn của nhiều nhân sự cấp cao tại Softbank.

Điểm trùng hợp là Công ty Cooley lại liên quan không ít đến đương kim chủ nhân Nhà Trắng. Năm 2013, Cooley chính là công ty luật đại diện cho ông Trump kiện danh hài Bill Maher đòi bồi thường 5 triệu USD vì đã phỉ báng ông Trump. Vụ kiện sau đó được dàn xếp ổn thỏa. Luật sư Scott S.Balber đến từ Cooley tham gia vụ kiện về sau trở thành đại diện cho doanh nhân Nga Aras Agalarov.

Và càng bất ngờ hơn khi Emin Agalarov, con trai của ông Aras Agalarov, chính là người mà theo nhiều cáo buộc nhân vật là người nối kết cho cựu quản lý ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump là Paul Manafort cùng con trai cả và con rể ông Trump trong cuộc gặp bí mật với một luật sư người Nga. Nội dung này từng được đề cập trong các cáo buộc Nga thao túng kết quả bầu cử Mỹ dẫn đến cuộc điều tra được thực hiện bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller của Bộ Tư pháp Mỹ.

Dích dắc giữa ông Trump và Công ty Cooley chưa dừng lại ở đó. Đầu năm nay, bà Laura Grossfield Birger, một chuyên gia cao cấp, rời khỏi Cooley để tiếp nhận vị trí đứng đầu bộ phận điều tra hình sự phía nam New York (Mỹ) - khu vực liên quan nhiều quyền lợi với gia tộc Trump. Một sự trùng hợp khác là đầu năm 2018, bà Laura Grossfield Birger, khi đó còn làm cho Cooley, đã đại diện bảo vệ cho một thân chủ bị tạm giữ trong cuộc điều tra bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller xung quanh cáo buộc Nga thao túng kết quả bầu cử Mỹ, theo tờ The Politico.

Bắt tay cùng đồng minh thân cận của Mỹ

Công ty luật Cooley không phải là sợi dây “vô hình” duy nhất kết nối tài phiệt Son và Tổng thống Trump. Những năm gần đây, Quỹ đầu tư Vision không ngừng bành trướng với nguồn tài chính mạnh mẽ, lên đến hơn 100 tỉ USD, trở thành quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới.

Trong đó, thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê Út chính là người cấp vốn quan trọng cho Quỹ Vision. Cụ thể, năm 2017, vị thái tử này quyết định rót 45 tỉ USD vào Vision. Đây là số tiền khổng lồ và chỉ sau hơn 1 năm, đến tháng 11.2018 thì thái tử Mohammed bin Salman lại hào phóng tung thêm 45 tỉ USD vào Vision. Con số lại tiếp tục tăng lên vào đầu tháng 4.2019 khi vị thái tử lại tuyên bố rót thêm 15 tỉ USD cho Vision. Như vậy, chỉ trong vài năm, quỹ đầu tư của tài phiệt Masayoshi Son đã nhận từ Ả Rập Xê Út hơn 100 tỉ USD.

Trong khi đó, Ả Rập Xê Út lại là một đồng minh lâu năm của Mỹ. Hơn thế nữa, dưới thời Tổng thống Trump thì quan hệ hai bên lại nồng ấm hơn. Một trong những quyết định quan trọng của Tổng thống Trump là chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem được cho là có sự tác động không nhỏ từ thái tử Mohammed bin Salman. Đổi lại, Ả Rập Xê Út có thể nhận được những ủng hộ tích cực từ Israel trong nhiều vấn đề tại khu vực Ả Rập.

Mối thân tình giữa tài phiệt Son và thái tử Mohammed bin Salman còn được nhấn mạnh vào tháng 10.2018. Lúc ấy, vị thái tử trẻ bị chỉ trích liên quan vụ nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Làn sóng phản đối dâng cao đến mức nhiều tỉ phú, lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu tẩy chay một hội nghị đầu tư do Ả Rập Xê Út tổ chức vào cuối năm. Thế nhưng, ông Son vẫn tham dự và có cuộc gặp quan trọng với vị thái tử. Nhà tài phiệt Nhật từng tiết lộ tham vọng đưa Vision có nguồn quỹ thêm hàng trăm tỉ USD trong vài năm tới và Ả Rập Xê Út chính là nguồn tài chính quan trọng.

Chính vì thế, có thể nói những sợi dây vô hình liên kết nhà tài phiệt Nhật với đương kim chủ nhân Nhà Trắng là không hề đơn giản. Nên việc “ông trùm công nghệ” Masayoshi Son, dựa theo lệnh trừng phạt từ Tổng thống Trump, ra đòn khiến Huawei chao đảo là không hề khó hiểu.

Chi phối nhiều tên tuổi ngành công nghệ

Với giới công nghệ, nhà tài phiệt Masayoshi Son không phải là cái tên xa lạ, bởi ông chính là nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Nhật Bản Softbank và Vision - quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay.

Dù mức tài sản (theo đánh giá của Bloomberg là 17,4 tỉ USD xếp thứ 54 thế giới, Forbes thì xếp hạng thứ 43 thế giới với 22,7 tỉ USD) chưa thể so với nhiều tỉ phú công nghệ, nhưng tài phiệt Son có ảnh hưởng đáng nể. Thông qua Softbank và Vision, ông Son đầu tư chiếm cổ phần lớn ở nhiều tên tuổi công nghệ như tập đoàn này chiếm cổ phần trong nhiều công ty lớn: ARM, WeWork, Fortress Investment Group, Boston Dynamics, Sprint, Alibaba, Yahoo! Nhật, Uber, Didi Chuxing, Ola, Grab, InMobi, Hike, Snapdeal, Brain, Fanatics, Guardant Health, Improbable Worlds, Mapbox, Nauto, One97 Communications...

Với việc có khả năng chi phối nhiều ông lớn trong ngành "taxi công nghệ" gồm Uber, Didi Chuxing, Ola và Grab, tỉ phú Son được xem như "ông trùm" về mảng này, đã trực tiếp tái cơ cấu các hãng trên để phân chia thị trường: Uber ở châu Mỹ và châu Âu, Grab ở Đông Nam Á, Didi Chuxing ở Trung Quốc và Ola tại Ấn Độ.

Đặc biệt, Softbank và Vision lần lượt chiếm 75% và 25% cổ phần tại ARM, thì nhà tài phiệt Nhật xem như kiểm soát hoàn toàn ARM. Chính vì thế, nhiều cơ quan truyền thông ví ông Son như người nắm nền tảng quan trọng nhất của ngành sản xuất chip.

"Nhà đầu tư thiên thần" tại Trung Quốc và cú hích cùng Alibaba

Tại Trung Quốc, tài phiệt Nhật Bản Masayoshi Son đã đầu tư không ít vào các dự án liên quan lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử.

Điển hình như ông là một nhà đầu tư lớn của hãng "taxi công nghệ" Didi Chuxing của Trung Quốc. Đây là đối thủ đã thâu tóm mảng kinh doanh của Uber tại Trung Quốc đại lục vào năm 2016. Đến năm 2017, Quỹ đầu tư Vision của tài phiệt Son đã bỏ 6 tỉ USD vào Didi Chuxing. Hai bên lại cùng nhau đầu tư thêm vào mảng taxi tại Nhật. Mới đây, hồi tháng 3 năm nay, một số chuyên trang tài chính và công nghệ thông tin phía ông Son sẽ rót thêm 1,6 tỉ USD cho Didi Chuxing.

Trong số các dự án của ông Son ở Trung Quốc thì nổi bật nhất phải kể đến là Alibaba. Cuối năm 1999, Softbank của ông và Tập đoàn tài chính Goldman Sachs đã trở thành những "nhà đầu tư thiên thần", bỏ ra 25 triệu USD để "chàng trai trẻ" Jack Ma khởi sự Alibaba. Đây là dự án mà Jack Ma khởi nghiệp trước đó khoảng 6 tháng. Kể từ đó đến nay, tài phiệt Son luôn song hành cùng sự hình thành "đế chế" Alibaba và Tập đoàn Softbank của ông chiếm gần 30% cổ phần tại đây.

Trong quá trình đó, vào năm 2014, ông đã thu lợi không ít khi Alibaba phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đạt giá trị thị trường ở mức kỷ lục hơn 170 tỉ USD, huy động số tiền 25 tỉ USD. Cú hích này đã giúp tỉ phú Son trở thành người giàu nhất Nhật Bản khi đó, Tập đoàn Softbank của ông nắm giữ khoảng 34% cổ phần của Alibaba. Trong thương vụ Alibaba "lên sàn" chứng khoán New York, một số tập đoàn liên quan thân nhân các cựu lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng gặt hái nhiều thành quả.

Đến nay, Softbank chiếm gần 30% cổ phần của Alibaba - hiện có giá trị vốn hóa khoảng 400 tỉ USD.

Tuy nhiên, cuối năm 2018, truyền thông Mỹ cho hay ông Son đã thế chấp cổ phiếu đang nắm ở Alibaba để vay 8 tỉ USD. Mới đây, ngày 27.5, tờ The Washington Post có bài phân tích quanh việc Alibaba vừa công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu tại thị trường Hồng Kông. Mục tiêu của Alibaba là huy động thêm 20 tỉ USD. Việc huy động thêm tiền này trở thành động thái đáng quan tâm vì Alibaba đang có thanh khoản cùng tiền mặt đến 28 tỉ USD - một con số đáng mơ ước của nhiều tập đoàn toàn cầu. Và tờ The Washington Post dẫn một số nguồn tin nhận định việc huy động tiền của Alibaba có thể là để mua bớt cổ phần của Softbank ở Alibaba.


Ngô Minh Trí