|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tranh cãi thương mại: ai đúng, ai sai?

20:15 | 21/07/2018
Chia sẻ
Chiến tranh thương mại đã dẫn tới những tranh cãi không ngớt về những khái niệm cơ bản trong ngoại thương. Nguyên do là bởi những chính sách liên quan hiện nay của chính quyền ông Donald Trump đều ít nhiều xuất phát từ cách hiểu những khái niệm này.
tranh cai thuong mai ai dung ai sai 'Tranh cãi thương mại Mỹ-Trung chỉ được giải quyết nhờ đối thoại'
tranh cai thuong mai ai dung ai sai

Thâm hụt thương mại làm tài khoản vãng lai bị hụt nhưng sẽ được bù đắp nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài rót vào tài khoản vốn. Ảnh: Internet

Thâm hụt thương mại - xấu hay bình thường?

Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump rất ghét thâm hụt mậu dịch. Ông tuyên bố, mỗi năm Mỹ “mất” 800 tỉ đô la, “không phải nửa triệu hay 12 xu, mỗi năm chúng ta thiệt mất 800 tỉ đô la trong thương mại”. Phần “mất” lớn nhất là rót cho Trung Quốc, mỗi năm, theo ông, chừng 500 tỉ đô la mặc dù con số chính thức thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá 375 tỉ đô la/năm. Từ lâu quan điểm của ông Trump về thâm hụt thương mại cho đây là điều xấu, gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế; giảm thâm hụt sẽ tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ và thuế là công cụ tốt nhất để san bằng thâm hụt.

Hầu hết các nhà kinh tế trên thế giới đều không cho khoản thâm hụt thương mại là “mất”, không ai nghĩ thâm hụt thương mại là thiệt hại. Sự khác biệt giữa xuất và nhập chỉ là thước đo lượng hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển qua biên giới, nó có thể phản ánh nhiều yếu tố vĩ mô như xu hướng đầu tư nước ngoài, tỷ giá và mức độ tăng trưởng GDP khác nhau.

Lấy ví dụ Việt Nam, trong một thời gian dài, chịu thâm hụt thương mại khá lớn; ngoại tệ ở đâu ra để chúng ta đi mua hàng hóa của nước ngoài nhiều hơn hàng hóa xuất đi? Cán cân thanh toán của một nước chủ yếu gồm tài khoản vãng lai (chủ yếu là mua bán với nước ngoài) và tài khoản vốn (chủ yếu là đầu tư nước ngoài, vốn vay...). Thâm hụt thương mại làm tài khoản vãng lai bị hụt nhưng sẽ được bù đắp nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài rót vào tài khoản vốn.

Mới nhìn qua thì hầu như mọi kinh tế gia có tiếng đều chê bai chính sách của ông Trump nhưng cũng có người nói, lập luận theo cách hiểu truyền thống đã kéo dài hàng chục năm nay, kéo theo hàng triệu công nhân Mỹ mất việc. Nay Trump có thể nói sai lý thuyết nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp nhất, tăng trưởng GDP lại cao nhất thì lý giải như thế nào?

Có thể lý giải: những năm thâm hụt là do các dự án đầu tư nước ngoài phải nhập đủ loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu để triển khai. Đến nay thương mại có lúc thặng dư là bởi các dự án FDI đã đi vào hoạt động, đã có hàng bán ra nước ngoài. Vậy thâm hụt thương mại trong trường hợp này có gì là xấu và nay thặng dư cũng không có gì là mừng vì có thể xem đây là dấu hiệu đầu tư đã bão hòa!

Với Mỹ, do đồng tiền trong ngoại thương là đô la Mỹ nên càng có nhiều thuận lợi hơn nước khác trong việc bù đắp thâm hụt. Với Việt Nam hay các nước khác, để bù đắp cho thâm hụt phải trông cậy vào dòng vốn FDI nhưng Mỹ thì không cần. Thiếu tiền trong tài khoản vãng lai, họ chỉ việc bán trái phiếu để vay vốn giá rẻ khắp thế giới bù vào - tất cả đều tính bằng đô la Mỹ. Với các nước khác thâm hụt thương mại lâu dài có thể gây sức ép lên tỷ giá nhưng với Mỹ thì không, đâu có vấn đề tỷ giá đâu mà lo.

Thế nhưng đây cũng chính là lý do một số nhà kinh tế nói, với Mỹ, thâm hụt thương mại là dấu hiệu xấu: Mỹ đang vay của tương lai để mua của thế giới về ăn tiêu chứ không chịu đầu tư vào sản xuất. Với nước khác thâm hụt thương mại là sức ép để điều chỉnh nhằm tìm sự cân bằng còn Mỹ do không chịu sức ép nào nên cứ thoải mái nhập hàng từ khắp nơi chứ không chịu nâng mức tiết kiệm.

Thuế - vũ khí đắt giá?

Để giải quyết thâm hụt thương mại, chính quyền ông Trump cho rằng thuế là vũ khí hiệu quả nhất bởi nâng thuế nhập khẩu sẽ làm nản chí hàng nhập khẩu, khuyến khích dân chúng mua hàng nội địa. Các nhà kinh tế Mỹ lại cho rằng tỷ giá mới là yếu tố quan trọng nên trước đó Mỹ tìm cách ép Trung Quốc phải nâng giá đồng tiền họ lên, chứ không phải phá giá. Giá đồng tiền mạnh lên, người dân sẽ thấy mua hàng nhập khẩu có lợi hơn thì tự khắc vấn đề thâm hụt thương mại được giải quyết.

Thực tế cho thấy thuế và các hàng rào khác không có tác dụng gì lên thâm hụt hay thặng dư trong ngoại thương. Những nước có hàng rào thuế thấp nhất như Singapore hay Thụy Sỹ lại có thặng dư thương mại lớn trong khi những nước áp thuế cao như Brazil hay Ấn Độ lại bị thâm hụt mậu dịch.

Với một nước cụ thể, áp thuế lên 100 mặt hàng này thì nhập khẩu của 100 mặt hàng đó có thể giảm nhưng dân chúng lại chuyển qua nhập 100 mặt hàng khác, không có thuế nên cuối cùng về tổng thể, thuế sẽ không tạo ra sự thay đổi gì nhiều. Thuế nhắm vào một nước xuất khẩu nào đó có thể giảm kim ngạch mua bán với nước đó nhưng kim ngạch mua bán với nước khác sẽ tăng lên để bù vào. Còn áp thuế lên hết mọi mặt hàng, với mọi nước sẽ làm giảm cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu, tác động xấu lên năng suất và làm tăng lạm phát.

Mỹ nhập nhiều hơn Trung Quốc nên đủ “bài” để “tố”

Một lập luận cũng thường gặp nữa, lần này không xuất phát từ kinh tế gia của hai phe chống và ủng hộ Trump mà từ những người quan sát. Có người cho rằng do Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc nhập từ Mỹ (năm 2016, Mỹ bán qua Trung Quốc 115,6 tỉ đô la và mua từ Trung Quốc 462,6 tỉ đô la hàng hóa) nên Mỹ có thể đánh thuế lên 34 tỉ đô la hàng nhập rồi dọa đánh thêm 200 tỉ đô la nữa chứ Trung Quốc có trả đũa thì đánh đến 115,6 tỉ là hết. Với cán cân thương mại như thế Mỹ có thể dọa đánh thuế lên đến 462,6 tỉ đô la trị giá hàng hóa chứ không phải đùa.

Lập luận này nghe qua rất hợp lý và chính xác nhưng đã bỏ qua yếu tố thuế gây hại chính bản thân nước áp dụng như thế nào. Giả thử Mỹ đánh thuế trừng phạt lên mọi mặt hàng nhập từ Trung Quốc thì đúng là họ có lượng hàng nhiều hơn phía Trung Quốc đến 4 lần để dọa nhưng vì thế cũng sẽ chịu thiệt hại gián tiếp gấp 4 lần.

Trong đợt áp thuế đầu tiên, đến 95% hàng hóa nhập từ Trung Quốc là đầu vào của các ngành sản xuất khác ở Mỹ nên thuế tăng, tức giá thành đầu vào tăng sẽ gây khó khăn cho những nhà sản xuất này. Còn tính chung toàn bộ hàng nhập khẩu thì có đến 60% là hàng trung gian cho nên thuế sẽ tác động trực tiếp lên hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, từ đó tác động xấu lên công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, áp thuế lên hàng hóa của nhau thì người tiêu dùng cả hai bên đều bị thiệt thòi nhưng tiêu dùng Mỹ thiệt thòi gần 4 lần tiêu dùng Trung Quốc. Nhìn từ phía xuất khẩu, đúng là nhà xuất khẩu Trung Quốc chịu nhiều sức ép hơn nhưng chỉ cần Trung Quốc phá giá đồng tiền của nước họ để tìm lại sức cạnh tranh cho hàng hóa thì coi như hóa giải vũ khí thuế của Mỹ.

Một yếu tố khác, quan trọng hơn là trong tổng số 462,6 tỉ đô la hàng hóa mà Mỹ mua của Trung Quốc vào năm 2016 chỉ có một tỷ trọng nhỏ là hàng thuần Trung Quốc, còn lại là hàng của các nước khác đang sản xuất tại Trung Quốc để bán đi khắp thế giới như điện thoại iPhone của chính nước Mỹ. Áp thuế như vậy khác nào bắn vào chân mình.

Với cuộc tranh cãi về các khái niệm cơ bản trong ngoại thương, rất khó phân định ai đúng ai sai. Mới nhìn qua thì hầu như mọi kinh tế gia có tiếng đều chê bai chính sách của ông Trump nhưng cũng có người nói, lập luận theo cách hiểu truyền thống đã kéo dài hàng chục năm nay, kéo theo hàng triệu công nhân Mỹ mất việc. Nay Trump có thể nói sai lý thuyết nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp nhất, tăng trưởng GDP lại cao nhất thì lý giải như thế nào?

Thực tế cho thấy sau khi Mỹ dọa đánh thuế lên thêm 200 tỉ đô la hàng hóa nữa thì phía Trung Quốc giữ thái độ im lặng, dè chừng chứ không tuyên bố trả đũa ngay nữa. Có thể họ đang tìm cách hạn chế thiệt hại, đã hiển hiện trên thị trường chứng khoán, tỷ giá và xu hướng dòng vốn chuyển đi nơi khác.

Có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết rốt cuộc ai đúng ai sai hay đúng ra, ai có thần kinh thép cứng hơn đối thủ trong cuộc đối đầu này.

Biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ sản xuất

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang thì việc chuẩn bị một kịch bản ứng phó cũng là điều nên làm với Việt Nam (VN). TBKTSG ghi nhận ý kiến của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt.

1. Sửa soạn các động tác thích hợp khi có tình trạng khẩn cấp Các luật thương mại đều cho phép quốc gia bảo vệ thị trường của mình khi đối tác hoặc vi phạm hiệp định WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) hoặc trường hợp khẩn cấp bảo vệ sản xuất nội địa, đưa ra các biện pháp tạm thời để tự bảo vệ mình. WTO có điều khoản về trường hợp có thể có biện pháp đáp trả trong ba trường hợp khi:

• Nước đối tác bán phá giá hàng dư thừa dưới giá bán ở nước họ.

• Nước đối tác bù lỗ sản xuất.

• Nước chủ nhà cần có biện pháp khẩn cấp tạm thời hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất nội địa.(https://www.wto.org/english/thewto_e/whatis_e/tif_e/agrm8_e.htm)

Các vấn đề tranh chấp khác như bù lỗ sản xuất, phá giá hàng hóa có thể phải thông qua trao đổi giữa hai nước và xét xử của WTO, trừ trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu như có cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và nếu như Trung Quốc (TQ) tuồn hàng sang Việt Nam để tiêu thụ hàng bị ế, do không thể xuất sang Mỹ hoặc do Mỹ đánh thuế nhập khẩu cao hàng hóa có mác TQ nên cần dùng mác Việt Nam để xuất, thì đó là tình trạng khẩn cấp cho phép Việt Nam có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ sản xuất của nước mình. Vấn đề là xác định khi nào điều này xảy ra.

2. Nên coi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ là tình trạng khẩn cấp. Trước khi hành động, phải báo cho phía TQ và WTO lý do có chứng cớ thống kê đầy đủ.

3. Ra lệnh hoặc ra luật cấm hẳn các công ty VN (hoặc đăng ký ở VN) nhập sắt thép hay hàng hóa tương tự để dùng mác VN xuất sang nước khác. Vi phạm có thể bị phạt nặng và đi tù, kể cả đóng cửa hãng. Điều này cần biện pháp khẩn cấp.

4. Xác định tình trạng phá giá tuồn hàng bằng cách tăng cường công tác thống kê hải quan, nhằm theo dõi đơn giá và lượng từng mặt hàng từng tuần.

Nếu biết rõ Trung Quốc giảm giá, cần phải đánh thuế nhập tương đương với mức giảm giá. Như vậy ngành thống kê hải quan phải xem xét kỹ lưỡng hai thứ. Lượng từng loại mặt hàng nhập vào và đơn giá của những mặt hàng hàng ấy. Thí dụ, nếu giá giảm 5% và lượng tăng 5% trong một tháng thì phải sẵn sàng hành động.

5. Biện pháp đối sách cần sửa soạn, công bố rộng rãi và áp dụng trong trường hợp khẩn cấp khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chính thức xảy ra.

Xem thêm

Nguyễn Vạn Phú

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.