|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tổn thất tải trọng (Deadweight Loss) là gì?

19:01 | 19/05/2020
Chia sẻ
Tổn thất tải trọng (tiếng Anh: Deadweight Loss) là khái niệm thường được dùng để chỉ phần thặng dư mà người tiêu dùng mất đi, nhưng người sản xuất, chính phủ hoặc ai đó không được hưởng.
Tổn thất tải trọng (Deadweight Loss) là gì? - Ảnh 1.

(Hình minh họa: BurkeyAcademy)

Tổn thất tải trọng

Khái niệm

Tổn thất tải trọng trong tiếng Anh là Deadweight Loss.

Tổn thất tải trọng là khái niệm thường được dùng để chỉ phần thặng dư mà người tiêu dùng mất đi, nhưng người sản xuất, chính phủ hoặc ai đó không được hưởng. Hiện tượng này xuất hiện khi thị trường cạnh tranh bị độc quyền hóa hoặc khi chính phủ áp dụng các chính sách can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh tế (ví dụ chính sách thương mại).

Tổn thất tải trọng do thuế

Phương trình xác định giá trị tổn thất tải trọng do thuế:

Tổn thất tải trọng do thuế = (thặng dư người tiêu dùng + thặng dư nhà sản xuất + thặng dư của chính phủ) trước khi đánh thuế - (thặng dư người tiêu dùng + thặng dư nhà sản xuất + thặng dư của chính phủ) sau khi đánh thuế

Để phân tích sự hình thành tổn thất tải trọng do thuế, hãy xem xét sự thay đổi của các thặng dư trước và sau khi có thuế. Trước hết cùng làm rõ một số khái niệm:

thặng dư người tiêu dùng

Thặng dư người tiêu dùng = số tiền họ sẵn sàng trả cho một loại hàng hóa - số tiền họ thực sự trả

thặng dư nhà sản xuất

Thặng dư nhà sản xuất = số tiền họ nhận được - chi phí sản xuất

thặng dư của chính phủ

Thặng dư của chính phủ = số tiền thu được từ thuế

Tổn thất tải trọng (Deadweight Loss) là gì? - Ảnh 2.

Bước 1. Trước khi đánh thuế

Giao điểm của đường cung và đường cầu quyết định lượng hàng hóa được tiêu dùng và sản xuất tại Q1, giá cả hàng hóa tại P1. 

(Q1,P1) được gọi là điểm cân bằng. Tại điểm này thặng dư người tiêu dùng được xác định bằng diện tích A+B+C, thặng dư nhà sản xuất bằng diện tích D+E+F, thặng dư của chính phủ bằng 0 vì thu nhập từ thuế bằng 0.

Như vậy, tổng thặng dư xã hội bằng diện tích A+B+C+D+E+F. Nói cách khác, nó chính là phần diện tích nằm giữa đường cung và đường cầu.

Bước 2. Sau khi đánh thuế T lên mỗi đơn vị hàng hóa tiêu thụ

Dưới tác dụng của thuế, lượng hàng tiêu thụ giảm từ Q1 về Q2. 

Giá cả người tiêu dùng phải trả tăng từ P1 lên Pb, giá cả nhà sản xuất thu được từ việc bán hàng hóa giảm từ P1 xuống Ps. Hơn nữa, sự chênh lệch giữa Ps và Pb cũng chính bằng qui mô đánh thuế T. Đặc điểm này được giải thích rõ rãng khi kiểm tra "tác động của thuế tới những đối tượng tham gia thị trường". 

Do đó, thặng dư của người tiêu dùng lúc này chỉ còn diện tích A giảm đi (B+C), thặng dư nhà sản xuất cũng giảm, chỉ còn phần diện tích F - giảm đi (D+E). Nhưng lúc này thặng dư của chính phủ tăng lên, chính bằng nguồn thu từ thuế được xác định bằng qui mô thuế X lượng hàng tiêu thụ, nói cách khác, thặng dư chính phủ là phần diện tích B+D. 

Như vậy, tổng thặng dư xã hội sau đánh thuế = A+F+(B+D)

Bây giờ có thể nhận thấy tổng thặng dư xã hội sau đánh thuế đã giảm đi phần diện tích (C+E) so với trước đánh thuế, đây cũng chính là qui mô tổn thất tải trọng do thuế.

(Theo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Ích Y