Tiếp tục chịu áp lực dư cung, giá tiêu giảm về dưới 60.000 đồng/kg
Kim ngạch xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu tháng 11 ước đạt 12.000 tấn, với giá trị đạt 38 triệu USD.
Lũy kế xuất khẩu hạt tiêu trong 11 tháng đầu năm ước đạt 220.000 tấn và giá trị đạt 718 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 32,5% về giá trị so với cùng kì năm 2017.
Mỹ, Ấn Độ và Pakistan vẫn là ba thị trường chính của tiêu Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018, với thị phần lần lượt là 19,6%; 8,2% và 4,3%.
Giá tiêu dự đoán tăng trong thời gian tới |
Thị phần của các thị trường này đều tăng nhẹ so với cùng kì năm 2017. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu hạt tiêu giảm liên tục nên kim ngạch hầu hết thị trường này trong 10 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kì.
Đáng chú ý, thị trường Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất giảm mạnh nhất tới 34 triệu USD, tương đương giảm gần 58%.
Giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 11 tháng đầu năm ước đạt 3.264 USD/tấn, giảm 38% cùng kì.
Nguyên nhân giá giảm vẫn do chịu áp lực dư cung. Lượng tiêu xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh. Trong đó, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất tại thị trường Ấn Độ tới 4.000 tấn (tương đương 29,4%) so với cùng kì năm 2017.
Theo sau là sự tăng trưởng của thị trường Mỹ và Pakistan, với mức tăng lần lượt là 11% và 22% so với cùng kì năm 2017.
Giá tiêu kì vọng tăng trong thời gian tới
Tại thị trường trong nước, sau hai tháng tăng giá liên tiếp và đạt trung bình 60.000 đồng/kg tiêu đen vào cuối tháng 10 do sự gia tăng tạm thời của nhu cầu xuất khẩu, đến tháng 11 giá tiêu lại quay về xu hướng giảm giá.
Tính đến ngày 26/11, giá thu mua hạt tiêu đen dao động ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng và giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm của tháng trước.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay giá tiêu thế giới được kì vọng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới nhờ thặng dư cung - cầu giảm.
Cục dự báo sản lượng tiêu của một số nước sản xuất chính như Việt Nam và Ấn Độ đều không khả quan do ảnh hưởng từ dịch bệnh và thiên tai.
Trong dài hạn, chất lượng có thể là yếu tố quyết định lên giá hạt tiêu, do đó cần có chính sách giúp đỡ và thúc đẩy nông dân sản xuất hạt tiêu theo hướng hữu cơ, đồng thời xây dựng và quảng bá thương hiệu tiêu của từng địa phương đến các thị trường trên thế giới.