|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt tiêu Việt Nam

14:13 | 25/03/2019
Chia sẻ
Năm 2018, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc với tốc độ nhập khẩu ghi nhận mức cao kỉ lục, tăng tới gần 100,7 lần về lượng và tăng gần 32 lần về trị giá so với năm 2017.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc đạt kỉ lục

Cục Xuất nhập khẩu cho hay theo số liệu thống kê từ ITC, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc năm 2018 đạt gần 87.700 tấn, trị giá 137,87 triệu USD, tương đương tăng trưởng tới 659% về lượng và 271,4% về trị giá so với năm 2017.

Tuy nhiên năm 2018, giá tiêu nhập khẩu bình quân của Trung Quốc chỉ đạt mức 1.572 USD/tấn, giảm tới 51,1% so với năm 2017. Trong đó, giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ nhiều nguồn cung giảm. 

Cụ thể, giá tiêu nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh 69,7%, xuống còn 1.242 USD/tấn; từ Malaysia giảm 26%, xuống mức 4.593 USD/tấn; từ Indonesia giảm 40,8%, xuống còn 4.014 USD/tấn. 

Trong khi đó, giá tiêu nhập khẩu từ Ấn Độ năm 2018 tăng 14,8%, lên mức 1.709 USD/tấn.

Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt tiêu Việt Nam  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2018, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc với tốc độ nhập khẩu ghi nhận mức cao kỉ lục, tăng tới gần 100,7 lần về lượng và tăng gần 32 lần về trị giá so với năm 2017. Nhờ vậy, thị phần hạt tiêu Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu Trung Quốc tăng từ 4,8% năm 2017 lên 68,1% năm 2018.

Ngoài ra, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Ấn Độ năm 2018 tăng 224,1% về lượng lên 22.700 tấn và tăng 272,1% về trị giá so với năm 2017 lên 38,81 triệu USD.

Trong khi đó, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Malaysia năm 2018 chỉ đạt 2.600 tấn với trị giá 12,34 triệu USD, giảm 5,8% về lượng và giảm 26% về trị giá. Thị phần hạt tiêu của Malaysia trong tổng lượng nhập khẩu Trung Quốc cũng giảm mạnh từ 18,3% năm 2017, xuống còn 3,1% thị phần năm 2018.

Theo dõi số liệu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc, Cục Xuất khẩu cho hay nhu cầu nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu của nước này ngày càng tăng. So với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Brazil thì mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khá lớn bởi giá thành sản phẩm thấp hơn và lợi thế về vị trí địa lí. 

Khâu chế biến tiêu của Việt Nam vẫn còn kém

Mặc dù Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lí nhưng giá trị xuất khẩu ở mức thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành.

Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm hiện nay, thị trường thế giới đang ưa chuộng chủng loại hạt tiêu trắng. Tuy nhiên, tỉ trọng hạt tiêu trắng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu trong khi hạt tiêu đen chiếm tới 90%. Nếu so sánh với Indonesia, tỉ trọng hạt tiêu trắng chiếm tới 80% lượng xuất khẩu. 

Ngành công nghiệp chế biến tiêu của Indonesia hiện nay rất phát triển với các sản phẩm hạt tiêu cao cấp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo ngành hạt tiêu Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến khâu chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời cần có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại xuất khẩu.

Trước đó, tại diễn đàn về chế biến, xuất khẩu nông sản nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận xét sản xuất hồ tiêu hiện nay không "ăn nhập gì" với tiêu thụ.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kết hợp với Cục Phát triển Thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị về chế biến đối với mặt hàng hồ tiêu. Trên cơ sở đó, 5 tỉnh Tây Nguyên và 4 tỉnh Đông Nam Bộ rà soát lại và giảm diện tích trồng tiêu, đặc biệt là những khu vực không đủ điệu kiện thổ nhưỡng và thời tiết cho loại cây này.

Thay vào đó, các tỉnh xem xét trồng những loại cây phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng trong khi hiệu quả kinh tế cao hơn như bơ, sầu riêng…

Đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung nhiều hơn nữa cho chế biến: "Sản lượng hồ tiêu Việt Nam chiếm một nửa thế giới mà lại phải chịu thế à? Trong khi doanh nghiệp lại quá giỏi.

Nếu chế biến ra dầu tiêu, giá trị gấp 20 lần so với tiêu thô. Trong khi hiện nay không đủ dầu tiêu để bán mà lại thừa tiêu thô. Vô lí quá! Vàng mà thừa thì cũng ế chứ đừng nói gì đến hồ tiêu"

Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sâu hơn. Các doanh nghiệp cần tìm những công nghệ chế biến tiêu tiên tiến nhất hiện nay.

Vì sao hạt tiêu Việt Nam được buôn lậu khối lượng lớn sang Sri Lanka?Vì sao hạt tiêu Việt Nam được buôn lậu khối lượng lớn sang Sri Lanka? Nikkei: Giá hạt tiêu đen chạm đáy 12 nămNikkei: Giá hạt tiêu đen chạm đáy 12 năm Xuất khẩu hạt tiêu khó đạt  1 tỷ USD?Xuất khẩu hạt tiêu khó đạt 1 tỷ USD?

Đức Quỳnh