|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tiền huy động từ trái phiếu đổ mạnh vào BĐS: Doanh nghiệp tăng tốc trước giờ G?

08:30 | 22/07/2020
Chia sẻ
Tính riêng nửa đầu năm 2020, giá trị phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp BĐS đạt 45.590 tỉ đồng (tương đương khoảng gần 2 tỉ USD), chỉ xếp sau nhóm tổ chức tín dụng.
 Tiền huy động từ trái phiếu đổ mạnh vào BĐS: Cuộc tăng tốc trước khi bị siết? - Ảnh 1.

Nhiều qui định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn. (Ảnh: Hạ Vũ)

2 tỉ USD đổ vào trái phiếu bất động sản

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020 có tổng cộng 983 đợt đăng kí phát hành trái phiếu với giá trị đăng kí hơn 226.000 tỉ đồng. Số đợt phát hành thực tế đạt 818 đợt với giá trị phát hành hơn 156.000 tỉ đồng.

Trong đó, tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp BĐS đạt 45.590 tỉ đồng (tương đương khoảng gần 2 tỉ USD), chiếm tỉ trọng 29,16%. Giá trị phát hành trái phiếu của nhóm này chỉ sếp sau nhóm tổ chức tín dụng (47.340 tỉ đồng).

Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp BĐS huy động vốn bằng trái phiếu từ đầu năm đến nay là CTCP Vinhomes (Mã: VHM) với hơn 12.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn một số cái tên khác như CTCP Đầu tư phát triển BĐS TNR Holdings, CTCP Tập đoàn Sovico, CTCP Địa ốc Phú Long, CTCP Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland), CTCP City Garden, CTCP Phát triển Golf Thiên Đường,...

Con số 2 tỉ USD trái phiếu đổ vào BĐS cho thấy có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới lĩnh vực này. Thực tế, mức chênh lệch lãi suất giữa TPDN và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã tạo ra sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, rủi ro đi kèm là rất lớn.

Tăng tốc trước giờ G

Thực tế, việc các doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu với khối lượng lớn và lãi suất cao cho thấy họ đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng.

Chính vì thế, cuộc đua phát hành trái phiếu của doanh nghiệp BĐS đã được đẩy nhanh trong khoảng 3 năm trở lại đây, không chỉ gia tăng về qui mô những đợt phát hành mà mức lãi suất cũng lên cao đột biến.

Trong khi trái phiếu của các nhà băng lãi suất cao nhất cũng chỉ dao động quanh ngưỡng 8 - 10%, thì trái phiếu doanh nghiệp BĐS chào lãi suất 11-13%, cá biệt có những đợt phát hành lãi suất lên tới 14,4%.

Theo SSI, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi. So với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8 - 1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất.

Nếu loại trừ số TPDN mà các ngân hàng đang nắm giữ tại 31/3/2020, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống.

 Tiền huy động từ trái phiếu đổ mạnh vào BĐS: Cuộc tăng tốc trước khi bị siết? - Ảnh 2.

(Nguồn: SSI Research)

Cũng theo đơn vị này, sự gia tăng mạnh lượng phát hành trái TPDN thời gian gần đây có thể là bước tăng tốc trước khi dự thảo sửa đổi Nghị định 163 theo hướng siết chặt việc phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp đi vào hiện thực.

Bởi sau 2 năm tăng tốc, lượng TPDN lưu hành hiện đã tương đối lớn và có thể là một trong những yếu tố khiến lãi suất tiền gửi khó có thể giảm nhiều trong nửa cuối năm 2020.

Ở một góc độ khác, qui mô thị trường TPDN Việt Nam hiện nay tuy chỉ chiếm khoảng 12% GDP nhưng lại có mức tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến 6 tháng đầu năm 2020. Theo các cơ quan quản lí, kênh gọi vốn này đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Đơn cử, Bộ Tài chính thời gian vừa qua đã nhiều lần đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nên xem xét kĩ rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Đây cũng là lí do Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ qui định về điều kiện phát hành TPDN. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây sẽ từng bước siết chặt hơn thị trường TPDN.

Một số điểm mới của Nghị định như tổ chức phát hành phải nêu cụ thể thông tin về chương trình, dự án đầu tư, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cần bổ sung vốn, các khoản nợ được cơ cấu bằng nguồn vốn phát hành từ trái phiếu.

Ngoài ra, phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quí gần nhất. Thời gian phát hành không quá 2 lần/năm, đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng,...

Có thể thấy, việc siết chặt hoạt động phát hành TPDN sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, NHNN đang thực hiện lộ trình thắt chặn tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, các doanh nghiệp đang phải tìm kiếm nguồn vốn thay thế, trong đó có kênh trái phiếu.

Nếu siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu sẽ khiến cho các doanh nghiệp BĐS gặp khó trong việc huy động vốn triển khai dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hiện nay, đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS nên sẽ càng khó khăn cho các doanh nghiệp.

"Cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do đại dịch COVID-19 hiện nay, không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực BĐS", vị này cho hay.

Hà Lê