|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng cuối năm sẽ sụt giảm?

08:34 | 18/07/2020
Chia sẻ
Theo VDSC, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong nữa cuối năm 2020. Tuy nhiên, giá trị phát hành trong nửa cuối năm nay sẽ giảm so với nữa đầu năm do Nghị định 81 vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.

Số liệu tổng hợp từ HNX cho thấy, các doanh nghiệp đã phát hành lên tới 156 nghìn tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm 2020, tăng gần 33% so với cùng kì năm trước.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong bối cảnh tín dụng chỉ tăng khoảng 11% so với cuối tháng 6 năm trước, số lượng trái phiếu phát hành tăng đến hơn 30% cho thấy sự hấp dẫn từ việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá đơn sơ khi chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín. Điều này đã khiến cho Bộ Tài Chính nhiều lần đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia vào thị trường này khi mà khối nhà đầu tư cá nhân nắm tới hơn 27% tổng khối lượng phát hành 6 tháng đầu năm 2020 so với chỉ 9% khối lượng cả năm 2019, theo Bộ Tài Chính.

VDSC đánh giá nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong nữa cuối năm 2020 khi mà ngân hàng lo ngại xảy ra nợ xấu trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá trị phát hành trong nửa cuối năm nay sẽ giảm so với nữa đầu năm do Nghị định 81 vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.

Theo VDSC, điểm nhấn chính từ nghị định mới này khiến cho việc phát hành sau tháng 9 bị ảnh hưởng nặng là việc đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành liền trước 6 tháng. 

Trong suốt hai năm qua, rất nhiều doanh nghiệp chia nhỏ đợt phát hành để vừa dễ cho các nhà đầu tư tham gia vừa tuân thủ qui định giao dịch dưới 100 nhà đầu tư, thì với việc qui định mới có hiệu lực các doanh nghiệp sẽ buộc phải phát hành lô lớn. Khi đó, tổ chức phát hành có thể gặp khó khăn hơn để tìm kiếm những nhà đầu tư lớn.

"Do đó, sẽ không quá bất ngờ nếu khối lượng phát hành tăng mạnh từ nay tới trước khi Nghị định có hiệu lực", VDSC nhận định.

Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trước tình trạng doanh nghiệp bất động sản tăng huy động vốn qua trái phiếu và nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa qua đã đưa ra cảnh báo rủi ro đối với thị trường này.

Theo đó, Bộ Tài chính khuyến nghị doanh nghiệp phát hành phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ và tuân thủ các qui định của pháp luật về phát hành trái phiếu.

Phần vốn từ phát hành trái phiếu phải gắn với mục đích phát hành, không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt với nhiều mã trái phiếu. Các doanh nghiệp cũng phải có biện pháp thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cả cam kết mua lại trái phiếu trước hạn.

Đối với nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến cáo, cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kĩ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu.

Trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức phân phối cung cấp thông tin chính xác về tình hình tài chính bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ, thanh toán lãi, gốc…).

Theo cơ quan quản lí, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ các rủi ro có thể gặp, nhà đầu tư (nhất là cá nhân) mới nên mua trái phiếu.

Đồng thời, Bộ Tài chính nhấn mạnh không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Quốc Thụy

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.