BIDV là 'quán quân' phát hành trái phiếu 6 tháng đầu năm 2020
Theo số liệu tổng hợp trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tính, ngành ngân hàng đã phát hành thành công 46.647 tỉ đồng trái phiếu tính từ đầu năm cho tới ngày 30/6.
Thống kê cho thấy, 5 ngân hàng có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất 6 tháng đầu năm 2020 bao gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Tính riêng 5 ngân hàng nói trên, giá trị trái phiếu phát hành thành công 6 tháng đầu năm đã đạt đến 38.676 tỉ đồng, chiếm 82% tổng giá trị phát hành trái phiếu toàn ngành.
Đứng đầu danh sách là ngân hàng BIDV với tổng giá trị phát hành thành công trong 6 tháng đầu năm là 16.602 tỉ đồng sau 27 đợt phát hành. Loại trái phiếu BIDV phát hành là trái phiếu trung và dài hạn, lãi suất bình quân khoảng 7,2 -8%/năm. Chỉ tính nửa năm đầu, tổng giá trị trái phiếu BIDV phát hành đã vượt 26% tổng giá trị phát hành năm 2019.
HDBank có 9 đợt phát hành với giá trị huy động đạt 10.000 tỉ đồng. Trái phiếu HDBank phát hành có kì hạn chủ yếu từ 2 - 3 năm, cao nhất là 5 năm, lãi suất dao động từ 5,5 – 8,5%/năm. Số lượng trái phiếu này nằm trong kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu đã được HĐQT HDBank thông qua vào tháng 3/2020.
Xếp sau đó là hai ngân hàng VPBank và TPBank với lượng trái phiếu phát hành lần lượt đạt 7.000 tỉ đồng và 3.074 tỉ đồng. Trái phiếu của VPBank phát hành có kì hạn 3 năm, lãi suất dao động từ 6 – 6,5%/năm. Kì hạn của trái phiếu TPBank có từ 3 – 10 năm, lãi suất trong khoảng 5,5 – 9,6%/năm.
SHB và VIB là hai cái tên tiếp theo với giá trị huy động cùng đạt 2.000 tỉ đồng. Các cái tên khác như ngân hàng Bắc Á, OCB, MSB, ACB, VietinBank có giá trị trái phiếu huy động trong 6 tháng đầu năm lần lượt là 1.790 tỉ, 1.500 tỉ, 1.400 tỉ, 1.230 tỉ, 550 tỉ đồng.
Việc các ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây là một trong những dấu hiệu cho thấy ngân hàng đang thiếu vốn trung dài hạn. Tới đầu tháng 10, tỉ lệ vốn ngắn hạn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về 37% theo qui định từ Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước tạo áp lực cho họ phải gia tăng thêm nguồn vốn này.
Đồng thời, tăng huy động vốn từ trái phiếu giúp các nhà băng gia tăng vốn cấp 2 nhằm nâng cao năng lực vốn tự có, thực hiện theo chuẩn Basel II mới.
Sang đầu tháng 7, xu hướng phát hành trái phiếu vẫn tiếp tục diễn ra. Ngay trong những ngày đầu tháng BIDV đã huy động được 1.121 tỉ đồng, HDBank huy động được 2.398 tỉ đồng và VietinBank huy động được 500 tỉ đồng từ trái phiếu.